Lễ hội

10.000 người diễu hành tại Lễ hội đường phố “Trái tim hòa bình”

Lễ hội đường phố “Trái tim hòa bình” với sự tham gia của 10.000 người diễn ra tại khu vực xung quanh Hồ Gươm vào sáng 13/7 là một trong những sự kiện điểm nhấn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Chương trình nhằm quảng bá văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về thành phố hòa bình. Từ đó, mỗi người dân cùng có ý thức xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.
Lễ hội có sự tham gia của 10 khối diễu hành, gồm: khối quốc tế, dân gian, làng nghề, tôn giáo, người cao tuổi, thể thao nghệ thuật, công nông trí thức, tuổi trẻ Thủ đô, nghệ thuật đương đại…

“Lễ hội đường phố toát lên vẻ đẹp của Hà Nội thông qua những giá trị văn hóa, di sản, làng nghề được lưu giữ từ nhiều đời nay. Thông điệp vì hòa bình được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, cho thấy tinh thần đoàn kết của nhân dân Thủ đô, tình hữu nghị giữa các quốc gia”, NSND Thúy Mùi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam – Tổng đạo diễn chia sẻ.
Theo NSND Thúy Mùi, lễ hội đường phố lần này mang đậm màu sắc di sản, văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Ngoài phần múa lân, rồng truyền thống, điểm nhấn đặc biệt của lễ hội đường phố là trình diễn di sản văn hóa. Trong phần này, 1000 thiếu nữ mặc áo dài, áo tứ thân chở những xe hoa, gánh hoa đặc trưng của Hà Nội như hoa sen, hoa cúc…

Bên cạnh việc tái hiện làng hoa, lễ hội đường phố lần này còn giới thiệu nét đặc sắc của một số làng nghề đặc trưng của Hà Nội như: lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng…

Khối làng lụa Vạn Phúc
Khối đại diện làng gốm Bát Tràng.
Nón làng Chuông.

Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của chương trình là phần tái hiện các giá trị di sản. Trong phần này, công chúng được hòa mình cùng các đoàn biểu diễn, tham gia những điệu múa cổ của Hà Nội như: múa sênh tiền, con đĩ đánh bồng…
Ở phần nghệ thuật đương đại, lễ hội sẽ gồm các hoạt động trình diễn bộ sưu tập áo dài truyền thống Hà Nội qua các thời kỳ; carnaval đường phố với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc, nhảy hiện đại, nhảy hip-hop…

Ngoài ra, cũng trong buổi sáng nay đã diễn ra lễ cắt băng khai mạc Không gian trưng bày “Làng hữu nghị” tại phố Lê Thạch, Không gian văn hóa ẩm thực Hà Nội và một số tỉnh tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Đại biểu thăm không gian “Làng hữu nghị”.

Không gian văn hóa tại khu vực Nhà Bát giác.
Không gian ẩm thực tại Cung Thiếu nhi.

Ban tổ chức cũng cho biết, trong tối 13 và 14/7, các sân khấu xung quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm như khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, sân khấu đền Bà Kiệu, nhà Bát Giác sẽ đồng loạt diễn ra các chương trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hoà bình”.

Thanh Hằng

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *