Điện ảnh

10 “ngôi nhà ma ám” kinh dị nhất lịch sử điện ảnh

​Ai trong số chúng ta khi xem qua các bộ phim kinh dị mà chưa từng bị ám ảnh bởi những ngôi nhà ma ám?​

Phim kinh dị luôn là một dòng phim có chỗ đứng trong lòng khán giả điện ảnh. Từ những người gan dạ đến những người nhát gan nhất cũng đều bị cuốn hút đến rạp xem những bộ phim kinh dị.

Đặc điểm của dòng phim kinh dị là để lại những ám ảnh kinh hoàng, rùng rợn dễ khiến khán giả liên tưởng đến những tình huống trong cuộc sống của mình. Tình huống càng đơn giảng, càng thật, càng gần gũi, càng khiến khán giả bị ám ảnh nặng hơn.

Có lẽ chính vì vậy mà những bộ phim về đề tài ngôi nhà bị nguyền rủa, bị ma quỷ ám luôn thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Xác sống, ma cà rồng, tên giết người hàng loạt ở đâu không ai biết. Nhưng những tiếng cót két trên sàn nhà giữa đêm, khuôn mặt mờ ảo thoắt hiện qua khung cửa sổ, hay những tiếng động kì lạ, rõ ràng là gần gũi với thực tại hàng ngày của chúng ta hơn.

Hãy cùng chúng tôi điểm qua 10 ngôi nhà “ma ám” ấn tượng nhất trên màn ảnh

House on Haunted Hill (1959)

 

Một người đàn ông đưa ra thử thách cho nhóm bạn của mình ở lại qua đêm trong một ngôi nhà, với phần thưởng là 10 nghìn USD. Rất nhiều trong số họ đã từ chối ngay khi nghe đến 2 từ “ma ám”. Nhưng liệu những cư dân “không còn thở” của căn nhà có phải là điều đáng sợ duy nhất với nhóm người dũng cảm dám ở lại? Hay có một sự thật kinh hoàng nào đằng sau ngoi nhà này?

Bộ phim được làm trong năm 1959. Đạo diễn William Castle đã áp dụng nhiều thủ thuật quay phim mới, khiến khán giả nhiều phen nhảy khỏi ghế khi đến rạp xem phim.

The Haunting (1963)

 

Một trong những bộ phim về ngôi nhà ma ám thành công nhất. Bộ phim đã đặt nền móng mà cho đến tận bây giờ, nhiều bộ phim lấy cùng đề tài vẫn còn làm theo.

Nội dung phim xoay quanh một nhóm người, gồm nhà khoa học, nhà ngoại cảm và những người hiếu kì khác, tìm cách lật tẩy bí ẩn xung quanh một ngôi nhà được cho là bị ma ám. Tại ngôi nhà này đã có rất nhiều người qua đời theo những cách rất quái lạ.

Những thước phim đen trắng tuyệt đẹp cùng với diễn xuất tuyệt vời của 2 nữ diễn viên chính: Julie Harris và Claire Bloom đã giúp bộ phim vẫn còn là “thước đo” cho thể loại phim nhà ma ám cho đến tận ngày nay. “Tôi đâu có đang nắm tay cô” có lẽ là một trong những câu thoại rung rợn nhất trong lịch sử dòng phim kinh dị.

The Legend of Hell House (1973)

 


Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị “Hell House” của tác giả Richard Matheson. Nội dung phim kể về một nhóm nhà khoa học và ngoại cảm tìm cách tẩy trừ ngôi nhà ma ám Balasco nổi tiếng (được coi là “đỉnh Everest” của các ngôi nhà ma ám) khỏi những thế lực siêu nhiên đang ám ảnh nó.

Bộ phim bị chỉ trích vì diễn xuất chưa thuyết phục, việc quá lạm dụng ống kính mắt cá (fish-eye) và một cái kết thất vọng. Nhưng nó cũng ghi lại dấu ấn nhờ một vài cảnh quay đáng nhớ cùng với nhạc nền rung rợn.

The Amityville Horror (1979)

 

Tại thời điểm ra mắt, bất chấp những bài phê bình tiêu cực từ giới chuyên môn, “The Amityville Horror” là một trong những bộ phim độc lập thành công nhất, được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Sức hút của bộ phim kéo theo hàng loạt hậu bản. Đáng tiếc đó đều là những bộ phim dở tệ, kể cả bản remake ra mắt vào năm 2005. Tuy vậy chúng cũng giúp bộ phim trở thành một huyền thoại của dòng phim nhà ma ám.

Ngôi sao thực sự của bộ phim chính là ngôi nhà. Với những ô cửa sổ như những con mắt nham hiểm nhìn chằm chằm vào chủ nhân.

The Changeling (1980)

 

Một kiệt tác ít được biết đến. Tài tử George C. Scott vào vai một nhạc sĩ New York chuyển về sống tại căn biệt thự ở Seattle vì quá đau buồn sau cái chết của vợ con. Căn biệt thự bị ám bởi hồn ma một chú bé bị giết hại tại đây.

Nhịp phim có thể hơi chậm với một số khán giả. Tuy nhiên, diễn xuất tuyệt vời của Scott cùng với cuộc điều tra ly kì về nguồn gốc ma ám của ngôi nhà đã dành được tình cảm của người xem.

The Shining (1980)

 

Một trong nhiều bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn chuyên viết truyện kinh dị nổi tiếng – Stephen King. Bộ phim khiến khán giả quay vòng với những câu hỏi về tính thật-ảo của bộ phim. Thực sự khu nhà biệt lập bị ma ám, hay tất cả chỉ bắt nguồn từ ảo giác của nhân vật chính do Jack Nicholson thể hiện?

Diễn xuất nửa tỉnh nửa mê, điên điên khùng khùng, hài hước đến…đáng sợ của Jack Nicholson không khỏi khiến khán giả băn khoăn giữa người và ma quỷ, đâu mới là kẻ tà ác thực sự của bộ phim.

Mặc dù bị Stephen King chỉ trích vì khác quá xa so với nguyên tác, không ai có thể phủ nhận đây là một trong những bộ phim kinh điển của dòng phim kinh dị. Thậm chí là một trong những bộ phim kinh điển của toàn bộ nền điện ảnh thế giới!

Poltergeist (1982)

 

Bộ phim đã phá bỏ nguyên mẫu truyền thống, khi kéo bối cảnh từ những ngôi biệt thự xa hoa, ở nơi hẻo lánh, rung rợn, về một căn nhà ngoại ô không có gì đặc biệt.

Tại nơi đây, những thế lực siêu nhiên đang sẵn sàng mang đến những cơn ác mộng cho một gia đình vừa mới chuyển tới mà không biết được rằng ngôi nhà vốn được xây trên một khu nghĩa địa!

The Others (2001)

 

Nichole Kidman đã có màn trình diễn tuyệt vời khi vào vai một bà mẹ quá thương yêu lo lắng cho 2 đứa con bệnh tật của mình mà không nhận ra chính mình là người đáng sợ nhất trong ngôi nhà. Ý tưởng của phim không có gì mới, tuy nhiên nó cũng ghi dấu ấn bởi bối cảnh rùng rợn và một số màn hù dọa đáng nhớ.

The Others cùng với một số bộ phim khác đã giúp lấy lại thiện cảm của khán giả về dòng phim kinh dị vào cuối những năm 1990. Giai đoạn này thể loại kinh dị ngập tràn những bộ phim đặt nặng yếu tố máu me, bạo lực.

The Grudge (2002)

 

Theo sau sự thành công trên toàn thế giới của bộ phim “Ringu” (1999), các tác phẩm kinh dị của điện ảnh Nhật Bản thu hút được sự chú ý của khán giả khắp nơi.

“The Grude” chính là bộ phim tiếp nối thành công nhất con đường mà “Ringu” mở ra. Bộ phim kết hợp phong cách phim kinh dị thế hệ mới của Nhật Bản với công thức phim nhà ma ám truyền thống.

Một nhóm người gần như xa lạ với nhau đã phải chịu lời nguyền từ một vụ ám sát trong ngôi nhà tại Tokyo. Cậu bé Toshio có thể là hồn ma trẻ em đáng sợ nhất kể từ cặp song sinh Grady trong “The Shining”.

Bộ phim đã trở nên nổi tiếng và được Hollywood làm lại, kéo theo sau đó còn là một loạt các hậu bản.

The Innkeeper (2011)

 

Bộ phim do Ti West, một trong những đạo diễn thành công nhất hiện nay về thể loại phim kinh dị thực hiện. Bộ phim lấy cảm hứng rất nhiều từ huyền thoại “The Shining”. Mặc dù vậy cũng tạo những dấu ấn rất riêng cho mình. Ví dụ như cặp nhân vật chính “dễ chịu” hơn nhiều so với nhà văn điên khùng trong “The Shining”. Hay không khí rung rợn ngày một tăng theo diễn biến phim. Chưa kể đến kết thúc mở gợi cho khán giả cảm giác cơn ác mộng trong phim còn lâu mới kết thúc!


Tuấn Ngọc/maskonline

Theo: BFI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *