Di sản – Bảo tồn

Bộ VHTTDL cấp phép khai quật khảo cổ tại Khu vực gò Vườn Chuối, Hà Nội

Ngày 16/3/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại Khu vực gò Vườn Chuối thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Theo đó, thời gian khai quật từ ngày 20/3/2020 đến ngày 15/5/2020, trên diện tích 150m2. Chủ trì khai quật là PGS.TS Bùi Văn Liêm – Viện phó Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất ba tháng, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ kết quả và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Hố khai quật tại cụm Di chỉ Vườn Chuối

Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969, có tổng diện tích phân bổ di tích gần 12.000m2. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu được tiến hành ở các gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Cây Muỗng, Chùa Gio và Chiền Vậy.

Từ năm 1969 đến nay đã có 9 cuộc khai quật.  Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. Đây là di sản quý giá có niên đại khoảng 3000 năm nhưng chưa được xây dựng hồ sơ công nhận di tích.  Nhiều nhà khoa học đã kiến nghị nên khoanh vùng bảo vệ, giữ lại một phần di chỉ khảo cổ này để làm công viên khảo cổ và nơi thực tập, tham khảo cho sinh viên ngành khảo cổ. Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực này, đồng thời khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng cho di tích Vườn Chuối.

H.T

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *