Di sản – Bảo tồn

14 tác phẩm được trao giải tại Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám”

Sáng 30/01/2021, tại vườn bia Tiến sĩ, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, văn phòng UNESCO tại Hà Nội và trường Đại học Xây dựng phối hợp tổ chức.

Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” là hoạt động nhằm hưởng ứng việc thực hiện các cam kết của thành phố Hà Nội tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới khi trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (lĩnh vực Thiết kế) của UNESCO. Đồng thời, Cuộc thi còn là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn sinh viên cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm ký họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Qua 2 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được hàng trăm tác phẩm ký họa tham dự của các bạn sinh viên thuộc các trường đào tạo ngành Kiến trúc và Quy hoạch tại Hà Nội như: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Viện Đại học Mở Hà Nội,…Các tácphẩm đãký hoạ lạinhững công trình kiến trúc nghệthuật nổi bật của di tích như Khuê Văn các,cổng Văn Miếu, cổng Đại Thành, nhà Bái Đường,…hay nhữnglinh vật Rồng, Nghê,Bia tiến sĩ, phong cảnh và con người. Các tác phẩm ký họa đã cho thấy sự đa dạng về chủ đề và góc nhìn. Có những tác phẩm khai thác chỉ một chi tiết ở bậc thềm hóa rồng nhưng lại có tác phẩm thể hiện cả một không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao. Trong đó, Khuê Văn các là chủ đề xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm ký họa dự thi.

Tuy cùng một chủ đề nhưng mỗi tác phẩm lại thể hiện một góc nhìn khác nhau đầy sáng tạo của các bạn sinh viên về công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng này. Đặc biệt với những chất liệu và bút pháp đa dạng như bút chì, bút sắt, màu nước,…các bạn sinh viên đã thể hiện được vẻ đẹp dung dị, thân quen nhưng cũng đầy mới lạ của khu di tích gần một nghìn năm tuổi.

Qua các tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã chọn được 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho tác phẩm Khuê Văn các của tác giả Đặng Viết Lộc, sinh viên trường Đại học Xây dựng. Bên cạnh đó, BTC cũng trao 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 08 giải Khuyến khích. Ngoài các tác phẩm đạt giải, 40 tác phẩm ký họa đẹp nhất cũng được chọn để trưng bày.

Nhận xét về chất lượng các tác phẩm tham dự Cuộc thi, TS. Trần Hậu Yên Thế, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Các tác phẩm tham gia cuộc thi đã phản ánh những cung bậc cảm xúc với Văn Miếu – Quốc Tử Giám cổ kính của các bạn sinh viên. Các bức ký họa với đa dạng chất liệu, bút pháp, góc nhìn đã khai thác được vẻ đẹp dung dị, thân quen và luôn mê hoặc du khách bởi chiều sâu trí tuệ của Văn Miếu. Bởi ký họa bao giờ cũng đơn sơ với bút chì, bút sắt, màu nước…, những nét phác họa thấp thoáng Khuê Văn Các, dãy vườn bia, chi tiết ở bậc thềm hóa rồng hay cả một không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao pha trộn cả quá khứ và hiện tại. Các bức ký họa trong cuộc thi này đã cho ta thấy được nhiều góc nhìn của tuổi trẻ về nơi chốn thân quen, gắn bó nhất với học sinh, sinh viên Thủ đô”.

Theo bạn Lương Thị Thu Giang, sinh viên trường Đại học Xây dựng: “Tham gia Cuộc thi em có cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn về Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nếu đến di tích để tham quan bình thường em sẽ không chú ý quá nhiều, nhưng tham gia cuộc thi khiến em phải tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn, chi tiết hơn những kiến trúc của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Cuộc thi cũng là một cơ hội để em biết thêm về lịch sử, văn hóa của di tích”.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Cuộc thi là cơ hội để các bạn sinh viên phát huy được tài năng, khả năng sáng tạo của mình, đồng thời khuyến khích các em quan tâm, tìm hiểu về di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng và di sản văn hóa nói chung. Chúng tôi hi vọng qua Cuộc thi sẽ lan tỏa niềm đam mê hội họa cũng như tình yêu với di sản văn hóa trong thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám” không chỉ là sân chơi ý nghĩa và lành mạnh cho những bạn trẻ yêu thích mỹ thuật mà còn góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành trung tâm hoạt động văn hóa và một không gian sáng tạo cho các bạn trẻ.

Vy Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *