Nghệ thuật

Bá Phổ nhạc đường – không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống Việt

Bá Phổ nhạc đường tọa lạc tại 61 Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội). Khoảng hơn 200 nhạc cụ truyền thống do gia đình nghệ sĩ Bá Phổ sưu tầm, phục chế, chế tạo từ mấy chục năm qua giờ đây đã có một không gian mới, cởi mở, tiếp cận được công chúng rộng hơn. Thay vì cất trong kho hay trưng bày tại gia, những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị có thể vang lên bất cứ lúc nào, sống động, ngẫu hứng cùng với lời giới thiệu nhiệt tình của các nghệ sĩ, giúp bạn hiểu hơn về nhạc cụ truyền thống Việt.

Bước vào không gian Bá Phổ nhạc đường, bất cứ ai cũng có thể thử chơi một cây đàn hoặc dành chút tĩnh lặng để thưởng thức những giai điệu mộc mạc của các nhạc cụ đặc trưng 54 dân tộc mà  có thể bạn chưa từng nghe tên. Đằng sau mỗi cây đàn là một câu chuyện đậm màu văn hóa mà những nghệ nhân, nghệ sĩ ở đây đã nỗ lực trong nhiều năm để mang về giới thiệu giữa lòng Hà Nội.

Gia đình Nghệ sỹ Bá Phổ biểu diễn

Có thể nói nếu muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, không phải đi những đâu mà chỉ cần đến Bá Phổ nhạc đường. Hàng trăm nhạc cụ (trên thực tế thì còn nhiều hơn nữa) được bày biện, sắp xếp hài hoà, có hệ thống thuận tiện cho giới thiệu, biểu diễn.

Rất nhiều nhạc cụ truyền thống được trưng bày tại đây

Chủ  không gian Bá Phổi nhạc đường gồm ba thành viên của một gia đình đều là nghệ sỹ nổi tiếng: Nghệ sỹ Bá Phổ từng được tôn vinh là “Ông vua đàn nguyệt”. Vợ ông – NSUT Mai Liên nổi danh trong và ngoài nước với tài nghệ chơi nhạc cụ Tơrưng. Nghệ sỹ Bá Nha (con trai ông bà) – từng được gọi là thần đồng âm nhạc khi mới 4 tuổi đã tham gia biểu diễn xuyên Việt, 8 tuổi đạt 2 giải Nhất của Liên hoan âm nhạc thiếu nhi quốc tế; 15 tuổi, được đặc cách vào Nhạc viện Hà Nội.

Đông đảo người yêu nghệ thật đến thưởng thức tiếng đàn dân tộc

Đến với nhạc đường, bạn vừa được tìm hiểu nét đặc sắc các nhạc cụ truyền thống của đân tộc và thưởng thức tài nghệ qua những tiếng đàn điêu luyện của ba nghệ sỹ. Ta như nghe những lời ru ầu ơ của mẹ qua cung đàn bầu sâu thẳm. Tâm hồn được bay bổng trên những bình nguyên rộng lớn khi những viên đá vô tri cất lời. Hay hơn thế nữa là những âm hưởng hùng hồn của Tây Nguyên hùng vĩ, phát ra từ những phím đàn Tơrưng kỳ diệu….. và nhiều hơn nữa là những âm hưởng của cảm xúc, tình yêu và sự hạnh phúc sâu lắng trong tâm hồn.

Có thể coi Bá Phổ nhạc đường là không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống đầu tiên tại Hà Nội. Từ đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng các không gian văn hóa nhạc cụ truyền thống ở nhiều nơi khác trên cả nước nhằm mục đích: Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc, nhạc cụ cổ truyền Việt Nam; Khơi gợi tình yêu truyền thống và lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước; Giới thiệu với bạn bè quốc tế về một nền văn hóa có truyền thống lâu đời của Việt Nam; Là điểm đến để tham khảo của những nhà quản lý, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn về nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Vào các buổi tối cuối tuần, Bá Phổ nhạc đường trở thành điểm hẹn văn hóa của những người nặng lòng trở về cội nguồn của âm nhạc dân gian Việt Nam.

                                                                                      Thu Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *