Nghệ thuật

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô giai đoạn 2021-2025

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, ngày 5/11, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Hà Nội ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống. Ảnh minh hoạ: Internet.

Kế hoạch được thực hiện nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình ca kịch truyền thống của Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung vào 04 loại hình chính là: nghệ thuật Chèo, Cải lương, Múa Rối và Kịch.

Bên cạnh đó cũng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ Thủ đô trong nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội, đồng thời có khả năng thích ứng với xu hướng nghệ thuật đương đại, góp phần xây dựng “Thành phố sáng tạo”, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa thẩm mỹ cho nhân dân, quảng bá hình ảnh Thủ đô ra thế giới.

Nội dung thực hiện bao gồm công tác tuyên truyền; Sưu tầm và xây dựng danh mục các loại hình nghệ thuật ca kịch truyền thống: Chèo, Cải lương, Múa Rối, Kịch chuyên nghiệp và không chuyên; Phục dựng một số vở diễn cổ, trích đoạn, làn điệu tiêu biểu. Bên cạnh đó, nghiên cứu đưa nghệ thuật ca kịch truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách phù hợp với thực tế; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật Chèo, Cải lương, Múa Rối và Kịch trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô. Thông qua các hoạt động hợp tác và giao lưu văn hóa song phương, đa phương, tuần văn hóa Việt Nam tại các nước trong khu vực và trên thế giới, các sự kiện văn hóa quốc tế tổ chức tại Hà Nội để giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thủ đô tới bạn bè quốc tế. Cùng với đó, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách như Nhà hát, dịch vụ bổ trợ, thời gian tổ chức biểu diễn linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tượng khách du lịch…

Thành phố Hà Nội đầu tư kinh phí sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, phát hành thành đĩa DVD nhằm lưu giữ các tài liệu, nhạc cụ, vở diễn cổ, tích trò, đoạn trích đặc sắc; Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các Nhà hát; Các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, con người, hỗ trợ nghệ nhân mở lớp đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ; Tổ chức trình diễn, giới thiệu nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước tới thưởng thức loại hình nghệ thuật đặc sắc được bảo tồn tại các địa phương.

Hà Nội cũng rà soát, triển khai quy hoạch chiến lược nguồn nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Thủ đô; tạo cơ chế, chính sách đột phá cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng, gắn bó và cống hiến lâu dài với Thủ đô; đa dạng hóa hình thức giáo dục đào tạo; chú trọng giáo dục văn hóa thẩm mỹ cho công chúng, đẩy mạnh việc đưa giáo dục nghệ thuật vào chương trình giáo dục các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục đào tạo có uy tín ở trong nước, khu vực và trên thế giới trong đào tạo nhất là đào tạo nguồn nhân lực chiến lược.

Các địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nghệ nhân trẻ kế cận; có chính sách hỗ trợ duy trì hoạt động các giáo phường, CLB ca kịch truyền thống đặc sắc; động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện để các nghệ nhân lớn tuổi có không gian sáng tạo, tiếp tục cống hiến tài năng và truyền nghề cho thế hệ trẻ địa phương.

Triểnkhai tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng Thủ đô, phổ biến các tác phẩm trong danh mục bảo tồn tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đưa các trích đoạn, vở diễn, tích trò vào chương trình sân khấu học đường, biểu diễn tại trường học, biểu diễn phục vụ tại khu công nghiệp, khu chế xuất cho công nhân lao động Thủ đô và các đối tượng khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Yêu cầu của việc thực hiện kế hoạch nhằm lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, truyền lại cho đời sau. Tiếp tục động viên các tầng lớp văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật truyền thống nước nhà. Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống ngoài việc đảm bảo yếu tố dân gian truyền thống cần có sự kết hợp tính giải trí, phong cách hiện đại và sáng tạo.

Hoà  An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *