Tin tức - Sự kiện

Bảo vệ môi trường để Hà Nội là thành phố đáng sống

HNP – Phát biểu kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2017 giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với các quận, huyện, thị xã, sáng 23/6, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành ủy xác định môi trường có tầm quan trọng chiến lược, vừa cấp bách […]

HNP – Phát biểu kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2017 giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với các quận, huyện, thị xã, sáng 23/6, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành ủy xác định môi trường có tầm quan trọng chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để xây dựng Hà Nội là thành phố đáng sống.


Toàn cảnh hội nghị

Thực trạng môi trường đáng báo động

Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, mục tiêu đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Thành phố phải đạt 60%, từ đó đặt ra những áp lực về vấn đề môi trường. Trong những năm qua, mặc dù Thành phố đã cố gắng triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa đạt yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường, chính vì thế, Thành ủy phải có một Nghị quyết riêng để tập trung nguồn lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong vấn đề này.

Theo kết quả quan trắc trong 3 tháng đầu năm nay thì chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Thành phố là 123, nằm trong phạm vi cảnh báo. Nồng độ bụi PM2.5 gấp 2 lần quy chuẩn quốc gia cũng như cao hơn chỉ số hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới. Trong nồng độ bụi thì 50% là bụi các-bon đen và benzen, chủ yếu từ đốt nhiên liệu hóa thạch sinh ra từ các phương tiện giao thông. Trong khi hiện nay, Hà Nội đang có khoảng 5,2 triệu xe máy, 470 nghìn ô tô; đến 2020 dự kiến lên trên 6,5 triệu xe máy, khoảng 600-700 nghìn ô tô và đến 2030 lên đến 7,5-8 triệu xe máy và 1,9 triệu ô tô. Như vậy thì khả năng môi trường không gánh chịu nổi nếu không có giải pháp hiệu quả và quyết liệt, Bí thư Thành ủy cảnh báo.

Cùng với đó, hiện tốc độ đăng ký và phát triển các khu, cụm công nghiệp của Thành phố cũng tăng nhanh nên dự báo sẽ “đóng góp” vào ô nhiễm môi trường TP nếu không có sự quản lý quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu. “Vừa giải quyết tồn tại của các khu, cụm công nghiệp cũ nhưng cũng phải đảm bảo các khu mới đưa vào phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì thế hệ sau lại phải gánh. Chúng ta đưa được công trình mới vào thì vỗ tay hoan hô nhưng thực tế lại tạo gánh nặng cho tương lai”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, toàn Thành phố 1.350 làng nghề thì trong đó 50 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng. Chất thải rắn hiện vẫn đang là thách thức lớn; xử lý nước thải hiện mới xử lý được 22%. Mặt khác thì kết cấu hạ tầng về xử lý môi trường của nhà nước cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức quản lý về vệ sinh môi trường cũng chưa đạt yêu cầu, cộng thêm với tác động của biến đổi khí hậu đặt ra những áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Từng bước hạn chế xe cá nhân

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, nhận thức tầm quan trọng chiến lược của môi trường đối với sự phát triển bền vững, nên Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 11. Điểm mới của Nghị quyết lần này là thể hiện quyết tâm chiến lược và huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành một cách quyết liệt hơn để Hà Nội là nơi đáng sống cho người dân Thủ đô, cho người dân các địa phương khác về.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị

Bí thư Thành ủy đề nghị từng cấp ủy, các cơ quan, đơn vị của Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, trong đó, tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ môi trường nước mặt để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước; tập trung quản lý tốt các nguồn xả thải, một mặt xử lý, làm sạch các dòng sông, nhưng phải kiểm tra và xử lý rất nghiêm các nguồn xả thải. Hiện có tình trạng “té nước theo mưa”, mỗi lần trời mưa là các cơ sở sản xuất ùa nhau xả nước bẩn, Bí thư Thành ủy lưu ý. Thứ 3 là quản lý có hiệu quả chất thải nguy hại và chất thải rắn.

Đặc biệt, để giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn thì Thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân và tới đây sẽ trình HĐND TP. Theo Bí thư Thành ủy, các phương tiện giao thông “đóng góp” từ 70-90% ô nhiễm môi trường của Thành phố. Cùng với đó, phải quản lý thật chặt các công trường xây dựng, kể cả xe ra vào để hạn chế phát sinh bụi trong không khí.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải tập trung vào 4 giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 11 của Thành ủy, phân công rõ trách nhiệm để tổ chức thực hiện. Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc, muốn vậy, các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức phải làm gương, vừa làm vừa vận động để xây dựng nếp văn hóa đô thị, nếp văn hóa văn minh và nếp văn hóa môi trường…

Theo Cổng GTĐT TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *