Hà Nội đẹp

‘Về nguồn’: Đặc sắc điệu múa ‘Con đĩ đánh Bồng’ làng Triều Khúc

Ngày 19/8, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Trì, UBND xã Tân Triều tổ chức chương trình “Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội”, số trải nghiệm “Đặc sắc điệu múa Trống Bồng làng Triều Khúc”.

Chương trình có sự tham gia của bà Nguyễn Kim Lân – Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh – Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Trì, ông Triệu Đình Tâm – Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, ông Giang Nguyên Thái – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Duy Huệ – Nguyên Hiệu trưởng trường THCS Tân Triều, lão nghệ nhân múa Trống Bồng Triệu Đình Vạn, Triệu Đình Hồng cùng các nhân vật trải nghiệm, đông đảo đoàn viên thanh niên xã Tân Triều.

Số trải nghiệm “Đặc sắc điệu múa Trống Bồng làng Triều Khúc” được tổ chức với hai nội dung: chiêm ngưỡng điệu múa Bồng, tham quan các di tích gắn liền với điệu múa và tổ chức chương trình tọa đàm để các nhân vật trải nghiệm cũng như đoàn viên thanh niên xã Tân Triều có cơ hội được nghe các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân giải mã những tầng lớp ý nghĩa phía sau điệu múa cổ có một không hai.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Kim Lân – Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội khẳng định “Trải nghiệm cùng điệu múa Trống Bồng là cơ hội quý để các bạn học sinh, sinh viên Thủ đô được sống trong di sản một cách gần gũi, sâu sắc, mới mẻ nhất thông qua sự dẫn dắt của các cụ cao niên, các nhà nghiên cứu, cán bộ và nhân dân địa phương; được nghe họ kể về di sản Múa Trống Bồng với sự am hiểu và lòng tự hào về truyền thống quê hương đáng trân quý nhất”.

Ông Triệu Đình Tâm – Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều nhấn mạnh, theo Hương ước của dân làng, điệu múa Bồng chỉ được phép truyền cho nam giới trong làng, vì thế các nội dung trải nghiệm liên quan đến việc truyền dạy sẽ không được diễn ra. Tuy nhiên, Ban tổ chức chương trình đã cố gắng xây dựng một kịch bản phù hợp, hấp dẫn để giúp người tham gia có được những trải nghiệm trọn vẹn nhất.

Đội múa Trống Bồng của làng Triều Khúc biểu diễn giới thiệu điệu múa đến người tham gia trải nghiệm tại UBND xã Tân Triều

Sau khi được thưởng thức điệu múa Bồng trên sân khấu của UBND xã Tân Triều, đoàn nhân vật trải nghiệm nhanh chóng di chuyển ra Đại đình Triều Khúc, háo hức chờ đợi để một lần nữa được chiêm ngưỡng điệu múa trong không gian của đình làng.

Không phụ sự mong đợi của đoàn nhân vật trải nghiệm, nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng đích thân sắm vai “Con đĩ đánh Bồng” biểu diễn dưới sự hỗ trợ của lão nghệ nhân múa Bồng Triệu Đình Vạn.

Trong không gian của Đại đình Triều Khúc, đội múa Trống Bồng tiếp tục biểu diễn giới thiệu điệu múa cổ đến mọi người

Người tham gia được trải nghiệm cách chít khăn mỏ quạ dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng

Ngoài trải nghiệm điệu múa bồng nổi tiếng, đoàn nhân vật trải nghiệm còn thăm quan Đại đình – nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Vũ sứ thần – người có công truyền nghề dệt cho dân làng Triều Khúc. Đoàn cũng tới thăm một gia đình làm nghề tết quả cù thọ của làng.

Buồi chiều cùng ngày, đoàn nhân vật trải nghiệm tham gia buổi tọa đàm về “Đặc sắc điệu múa Trống Bồng làng Triều Khúc”. Bàn về những đặc sắc của điệu múa cổ, ông Giang Nguyên Thái khẳng định,Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Thành phố Hà Nội cho biết:  Hà Nội có khoảng 7 – 8 nơi có múa Bồng, nhưng múa Bồng của Triều Khúc là khoáng đạt, truyền cảm và dân dã nhất. Đặc điểm nổi trội của lễ hội làng Triều Khúc cũng chính là điệu múa Bồng, làm cho lễ hội trở nên tươi vui, đầy sức sống. Múa Bồng vì thế là món gia bảo của làng, điệu múa hầu Thánh không thể truyền dạy ra ngoài. Ông Thái cho biết, đội múa Bồng xưa kia thường có bốn người đàn ông trung niên, múa bốn người theo hình vuông, tạo thành vòng tròn ở phía trong có ý nghĩa trời tròn, đất vuông biểu thị cho một sự kết hợp thuận lẽ trời, và cho ra một kết quả tốt lành. Múa Trống Bồng làng Triều Khúc hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không đưa vào các yếu tố mới, điệu múa được truyền từ đời này qua đời khác theo hình thức cha truyền con nối, trong làng vì thế luôn có những người múa giỏi như cụ Vạn, ông Hồng.

Tại buổi tọa đàm, Nhà giáo Nguyễn Duy Huệ, một người con của làng Triều Khúc đã có nhiều năm nghiên cứu về điệu múa Bồng khẳng định, điệu múa này mang tính phồn thực, thể hiện ước mong vạn vật được sinh sôi nảy nở. Các động tác của tay phóng khoáng, chân đi theo thế âm dương, hai người múa áp lưng, nương tựa vào nhau trong điệu múa Bồng đã thể hiện rất rõ phồn tính. Ông còn cho biết thêm, múa Bồng không phải là điệu múa dân gian mà đã được cung đình hóa.

Chia sẻ về công tác bảo tồn, phát huy điệu múa cổ của quê hương, bà Vân Ánh – cán bộ Văn hóa – Thông tin xã Tân Triều cho biết, múa Bồng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhân dân địa phương và giới truyền thông. Đặc biệt từ cách đây 10 năm, múa Trống Bồng đã được đưa vào dạy cho các em học sinh của trường THCS Tân Triều, vì thế nhân sự của đội múa luôn ổn định.

Làng Triều Khúc có tên Nôm là Đơ Thao hay Kẻ Đơ, xưa thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, Thượng Hà Tây cũ (nay là xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Làng nổi tiếng bởi những dấu ấn văn hóa cổ như các đạo sắc phong, câu đối, tục múa rồng, nói trạng… và lễ rước Bố Cái đại vương Phùng Hưng (thế kỷ XVII). Đặc biệt, Triều Khúc chính là nơi sinh ra nghệ thuật múa Trống Bồng, điệu múa chỉ được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, múa bồng xuất hiện cách đây 7 – 8 thế kỷ; theo tài liệu lịch sử còn lưu giữ năm 791, khi vua Phùng Hưng đem quân đi giải phóng thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) để dẹp ách đô hộ của nhà Đường. Trên đường đi nhà vua cho quân đóng tại Triều Khúc. Để động viên tướng sĩ đánh trận, dân làng Triều Khúc biểu diễn múa bồng cho vua Phùng Hưng và tướng sĩ xem. Trận chiến đó quân ta thắng lớn, nhân dân tôn vua Phùng Hưng là Bố Cái Đại vương và cũng từ đó, múa bồng trở thành điệu múa truyền thống không thể thiếu được trong các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng Triều Khúc.

Ngày nay, cứ vào những ngày lễ hội của làng, từng cặp trai giả gái trong trang phục rực rỡ, đứng múa trong tư thế đối xứng nhau, ‘lả lơi’ trong tiếng trống náo nhiệt, tiếng thanh la rộn rã…

Từ xa xưa đến nay, các nghệ nhân múa bồng Triều Khúc không truyền cho con gái, cũng không truyền cho người ngoài làng. Người được chọn vào múa bồng phải là con nhà có giáo dục, ngoan ngoãn, lễ giáo; có gương mặt khôi ngô, cơ bắp dẻo dai, có tài nhảy múa; đặc biệt phải say mê với múa bồng. Chính vì vậy, chọn được một người hợp với múa bồng rất lâu và đào tạo cũng lắm công phu. Người múa phải thuộc lòng 36 thế múa, vừa sử dụng linh hoạt, uyển chuyển theo tiếng thanh la, trống, vừa nhập tâm, thể hiện thần thái điệu múa. Ông Triệu Đình Hồng, người thể hiện thành công nhất múa bồng hiện nay và là người trực tiếp phụ trách đào tạo múa bồng cho thế hệ trẻ làng Triều Khúc.

HNĐ

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *