Hà Nội đẹp

‘Về nguồn’: “Người giữ nhịp cho Xẩm”

Ngày 12/8, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Âm nhạc Truyền thống Thăng Long, Trung tâm Xúc tiến Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam và CLB Tuyên truyền Văn hóa – Lịch sử (trực thuộc Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tổ chức chương trình trải nghiệm “Người giữ nhịp cho Xẩm”.

Phát biểu tại chương trình, Bà Trịnh Hà Thanh – Trưởng phòng Kinh doanh Dịch vụ và Tổ chức sự kiện (thuộc Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội) cho biết: Trải nghiệm với nghệ thuật hát Xẩm là một trong 5 hoạt động thuộc chương trình “Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội” nằm trong dự án website hanoidep.vn do Trung tâm Văn hóa Thành phố khởi xướng. Ông Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Âm nhạc Truyền thống Thăng Long cũng chia sẻ, ông rất mừng khi chương trình Người giữ nhịp cho Xẩm nhận được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ.

Chương trình dành quyền tham gia cho 15 bạn trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như doanh nhân, giảng viên đại học, sinh viên hay người làm nghề tự do, song ở họ đều có chung một khao khát đầy nghiêm túc là muốn tìm hiểu về nghệ thuật hát Xẩm, tìm về với vốn quý mà cha ông đã để lại.

Nhằm giúp cho người tham gia có được những trải nghiệm thú vị, gần gũi mà sâu sắc nhất, BTC đã mời Nhà nghiên cứu dân gian Mai Thiện – người tiên phong hệ thống hóa tư liệu âm thanh, hình ảnh, video của nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo trên mạng internet và Ngô Văn Hảo – người được truyền dạy lề lối hát Xẩm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu làm những người dẫn chuyện, dẫn dắt đưa các bạn nhân vật trải nghiệm đến những khám phá về nghệ thuật hát Xẩm.

Giao lưu với các nhân vật trải nghiệm, Ngô Văn Hảo chia sẻ: “Truyền thông và mọi người luôn cho rằng giới trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống nhưng thực chất nghệ thuật truyền thống chưa bao giờ đứng trước mặt người trẻ để người trẻ tìm hiểu rồi từ đó có quyền lựa chọn giữa nghệ thuật truyền thống hay các loại hình nghệ thuật hiện đại khác…”. Có lẽ chính vì lý do đó mà Ngô Văn Hảo vẫn miệt mài, chủ động trên con đường tìm kiếm những giá trị cổ truyền, cố gắng đưa những giá trị ấy về gần với những người trẻ như mình.

Nhóm các nhân vật trải nghiệm nhận thử thách “Đi tìm nghệ sỹ”

Các nhân vật trải nghiệm tham gia vào thử thách “Gọi Xẩm, I í ơ”: ghép hình và tên những nhân vật có ảnh hưởng đối với nghệ thuật hát Xẩm từ xưa đến nay sao cho đúng.

Sự xuất hiện của nhân vật bí ẩn “Linh Xẩm” (nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh) mang đến cho người tham gia những cảm xúc thú vị bởi sự mộc mạc từ giọng nói đến lời ca.

NSND Xuân Hoạch hướng dẫn các nhân vật trải nghiệm hát bài Xẩm tầu điện – Hà Nội 36 phố phường

Các nghệ sỹ hướng dẫn nhân vật trải nghiệm cách đánh sênh, tìm hiểu về các nhạc cụ trong nghệ thuật hát Xẩm

Chương trình “Người giữ nhịp cho Xẩm” đã khép lại trong những tình cảm nồng ấm, chân thành, những cảm xúc thăng hoa tuyệt vời nhất ở những người tham gia. Được trải nghiệm có lẽ không còn là quyền lợi của riêng 15 người được lựa chọn, mà bản thân các nghệ nhân, nghệ sỹ như NSND Xuân Hoạch, NNDG Đào Bạch Linh… cũng cảm thấy thật hạnh phúc khi con đường giữ gìn, phát huy Xẩm mà họ đang đi không hề đơn độc.

Hát Xẩm là loại hình hát kể chuyện, giai điệu hình thành dựa trên thanh điệu tiếng Việt và ngữ điệu lời văn. Hát Xẩm là một nghệ thuật đàn hát dân gian thuần Việt mang tính chuyên nghiệp có nguồn gốc ở đồng bằng Bắc Bộ. Tính chuyên nghiệp của Hát Xẩm được quy định ở 4 yếu tố: văn học, nhạc khí, làn điệu và môi trường diễn xướng.

Nội dung những bài xẩm rất đa dạng, mỗi bài Hát Xẩm là một câu chuyện kể về nhân tình thế thái, về đạo lý của con cái đối với cha mẹ, về tình cảm giao duyên nam nữ, tình cảm vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, về thân phận những người phụ nữ thời xưa, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, trào phúng, đả kích phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Xẩm còn có nội dung về giáo dục luân thường đạo lý, lòng trung quân ái quốc, kể về điển tích, về danh sỹ… Nói chung, mỗi bài Xẩm là một câu chuyện kể về các khía cạnh trong đời sống con người.

HNĐ

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *