Thế thao thành tích cao

Ba nhiệm vụ trọng tâm của Thể thao Việt Nam năm 2018

Gấp rút hoàn thiện Luật Thể dục Thể thao sửa đổi; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thể thao quần chúng; tập trung phấn đấu giành tối thiểu từ 3 đến 4 HCV tại ASIAD là những nhiệm vụ lớn mà ngành TDTT thực hiện trong năm 2018.

Khi giao nhiệm vụ năm 2018 cho ngành Thể dục thể thao (TDTT), Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh các vấn đề “Hoàn thiện Luật Thể dục Thể thao sửa đổi đệ trình Quốc Hội xem xét thông qua; Nắm bắt cơ hội Đại hội TDTT các cấp cơ sở rộng khắp cả nước để tạo bước phát triển đột phá  của Thể thao quần chúng: Tập trung phấn đấu giành tối thiểu từ 3 đến 4 HCV ASIAD tương đương những thành tích cao nhất TTVN đã từng có” trong cả phương hướng, nhiệm vụ công tác của ngành.

Đoàn TTVN có thành tích tốt tại SEA Games 29

Năm 2017 TTVN  đã cơ bản hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao với những thành tích nổi bật như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức rầm rộ trên khắp các tỉnh thành cả nước thu hút được số lượng kỷ lục gần 7 triệu người tham dự; Đoàn TTVN thi đấu xuất sắc tại SEA Games 29, xếp thứ 3 toàn đoàn cùng một loạt chiến thắng áp đảo ở các môn thể thao Olympic đã được Thủ tướng gặp mặt khen ngợi. Ấn tượng nữa khi TTVN lọt vào top 10 Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2017-  một Đại hội liên châu Á – Đại dương đầu tiên trong lịch sử  có tới 65 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự…

Đây là bước đệm để TTVN tạo nên bước phát triển đột phá sâu rộng cả Thể thao quần chúng và Thể thao thành tích cao trong năm 2018.

Trong năm 2018, ngành được giao 3 nhiệm vụ chính: Hoàn thiện Luật TDTT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua; tập trung phấn đấu giành tối thiểu từ 3-4 HCV  ASIAD; nắm bắt cơ hội Đại hội TDTT các cấp cơ sở rộng khắp cả nước để tạo bước phát triển đột phá  của thể thao quần chúng.

Gấp rút hoàn thiện Luật TDTT sửa đổi

Luật Thể dục, Thể thao được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thể dục thể thao năm 1999. Sau 10 năm thực hiện cho thấy, Luật TDTT đã có nhiều tác động tích cực về kinh tế, xã hội, ngoại giao và sự phát triển của ngành Thể dục thể thao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật này đã bộc lộ một số bất cập như: một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế; một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; một số hoạt động TDTT phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định… Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã được Quốc hội xem xét lần đầu trong năm 2017, ngành cần gấp rút hoàn thiện để trình Quốc Hội tiếp tục xem xét và có thể thông qua ngay trong Phiên họp thường kỳ vào tháng 5 /2018.

Bên cạnh đó ở khâu công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng còn một số việc cần hoàn thiện như:  Đề án tổng thể tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam, Nghị định về chính sách, chế độ với các VĐV, HLV…

Tạo đà phát triển thể thao quần chúng

Năm 2018, Thể thao quần chúng tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả triển khai Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020;  “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020; “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2018”, tạo sự chuyển biến đồng bộ trong phát triển thể dục, thể thao cho mọi người; chú trọng và đổi mới căn bản công tác thể dục, thể thao trong trường học; thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang và thể dục, thể thao trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2018” phấn đấu đạt khoảng 7.000.000 người

Cụ thể, phấn đấu số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên: 32,3 %; Số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên: 23,5 %; Số câu lạc bộ thể thao: 45.000 Câu lạc bộ theo quy định của Thông tư số18/2012/TT-BVHTTDL;

Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức nghiệp vụ công tác thể dục, thể thao năm 2018 theo Chương trình xây dựng nông thôn mới là 1.500 người; Tổ chức  hướng dẫn hoạt động TDTT cho cán bộ, hướng dẫn viên TDTT làm nòng cốt triển khai tại cơ sở 500 người;

Số người tham gia “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2018” đạt khoảng 7.000.000 người; 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa; gia tăng số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa và triển khai bài thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài Võ cổ truyền; 100% các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức huấn luyện thể lực theo quy định, nâng cao hiệu quả phong trào chiến sỹ khỏe; không ngừng nâng cao thể lực nhằm phục vụ trực tiếp cho tác nghiệp chuyên môn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Do đó, đại hội TDTT các cấp  hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc tổ chức vào cuối năm tại Hà Nội là cơ hội tốt để Thể thao quần chúng tạo đà phát triển gây hiệu ứng rộng khắp toàn xã hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng chống  tai nạn đuối nước trẻ em 2018 và tiếp tục tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân đã trở thành truyền thống hàng năm…, Thể thao cả nước hứa hẹn sẽ có bước phát triển đột phá trong năm mới 2018.

Phấn đấu đạt tối thiểu 3 HCV trở lên tại ASIAD 2018

Đoàn TTVN dự kiến tham dự Asiad 2018 với trên 200 VĐV và thi đấu khoảng 200 nội dung ở 23-26 môn thi. Mục tiêu số 1 của TTVN tại Asiad 2018 là giành HCV ở những môn trọng điểm Olympic, đạt tối thiểu 3 HCV trở lên.

Để chuẩn bị cho Đại hội này, đoàn TTVN hiện tại có khoảng 60 VĐV trọng điểm đã được lên kế hoạch tập huấn rất chi tiết, được đầu tư để chuẩn bị cho ASIAD 2018 với 3 nhiệm vụ liên thông. Trong số đó, có khoảng 10 VĐV có khả năng tranh chấp huy chương được đầu tư và chuẩn bị với kế hoạch riêng. “Có những VĐV tham dự dù không thể tranh chấp huy chương nhưng là để chuẩn bị cho SEA Games 2019, có những VĐV dự ASIAD vừa để chuẩn bị cho SEA Games 2019 vừa để chuẩn bị vòng loại Olympic 2020.

Ngoài Asiad 18, năm 2018, TTVN sẽ tham dự Olympic trẻ tại Argentina. Hiện nay đã có 5-6 VĐV ở các môn boxing, bơi, điền kinh đạt chuẩn để tham dự đại hội. Olympic trẻ là tiền đề quan trọng để TTVN chuẩn bị lực lượng cho Olympic Tokyo 2020, SEA Games 2021 tại VN.

M.T

Theo Thể thao ngày nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *