Gia đình

Bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đây là văn kiện quan trọng nhằm cụ thể hoá các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như những giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Mặt khác, đây cũng là một trong những Chiến lược được Chính phủ ban hành kịp thời, sớm nhất để chúng ta có cơ sở pháp lý thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ 2011-2015.

Trong 5 năm qua, nhiều chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản đều đã đạt được
Trong 5 năm qua, nhiều chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản đều đã đạt được

Một trong những giải pháp quan trọng, đột phá trong thực hiện Chiến lược là ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1241/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với 5 dự án thành phần và số tiền dự kiến bố trí là 955 tỷ đồng cho 5 năm thực hiện Chương trình. Đây là lần đầu tiên Chính phủ bố trí ngân sách cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới từ trung ương đến địa phương. Điều đó đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như các mục tiêu về bình đẳng giới trong các Mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Trong 5 năm qua, trên cơ sở sự chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đều đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 phù hợp với điều kiện cụ thể của Bộ, ngành, địa phương.

Công tác truyền thông về bình đẳng giới ngày càng đi vào chiều sâu, tác động trực tiếp tới từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân ở cấp cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đối tác quốc tế cũng tiếp tục dành sự quan tâm, hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động, các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Do đó, chúng ta đã huy động được thêm nhiều nguồn lực cũng như các kinh nghiệm quý cho việc thực hiện bình đẳng giới cũng như Chiến lược trong thời gian vừa qua.

Hoàn thành cơ bản một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động việc làm, chăm sóc sức khoẻ

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia được xếp hạng. Điều đó cho thấy những nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Với sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), kết quả 5 năm đầu thực hiện Chiến lược cho thấy, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động việc làm, chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu của mục tiêu 1 về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, mục tiêu 3 trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và mục tiêu trong lĩnh vực gia đình chưa đạt được kết quả đề ra.

Theo báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố cho thấy: Có 9/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (chiếm 41%); có 5/22 chỉ tiêu không đạt (chiếm 23%); có 8/22 chỉ tiêu chưa thống kê được đầy đủ (chiếm 36%).

Về tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đảng cho thấy tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, số uỷ viên nữ là 20 người chiếm tỷ lệ 10%. Lần đầu tiên đã có 3 đồng chí nữ trong tổng số 19 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị (chiếm tỷ lệ 15,78%). Hiện, có 14/30 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ Thứ trưởng và tương đương đạt tỷ lệ 46,6%.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ 2015-2020 đều đạt cao hơn so nhiệm kỳ trước.

Về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội tham gia khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Tuy vậy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng nhưng chưa thật bền vững. Số nữ đại biểu Quốc hội chiếm 21,77% ở khóa VII, 18% ở khóa VIII, 18,84% ở khóa IX, 26,20% ở khóa X, 24,4% ở khóa XIII.

Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2020 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 25,17%, cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,17%…

Từ những con số trên có thể thấy tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất vì phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số, tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách về bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam

Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 7, 815 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48%. Báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2015 tỷ lệ nữ làm giám đốc/ chủ doanh nghiệp đạt 24.8% – khá cao so với khu vực và thế giới.

Trong 5 năm qua, nhiều chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản đều đã đạt được. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm từ 68/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2011 xuống còn 59/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2014 và năm 2015 là 58,3/100.000. Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực.

Số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, năm 2011, số hộ gia đình có bạo lực là 18.958 hộ, đến năm 2015 trên toàn quốc có 13.846 số hộ gia đình có bạo lực. Tính đến tháng 6/2015, tổng số lượt nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn, được hỗ trợ chăm sóc là 16.028 lượt. Số người gây bạo lực gia đình được tư vấn 6.749/12.536 người gây bạo lực gia đình (đạt tỷ lệ 53%). Theo báo cáo địa phương, đến năm 2015 đã hỗ trợ 2.213 nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng (trong đó 98,2% nạn nhân là nữ giới).
Chính phủ là chủ thể đóng góp lớn nhất vào thực hiện bình đẳng giới

Việt Nam là một quốc gia đã xây dựng được nền tảng để đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội như: tham gia các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, có Luật Bình đẳng giới và ngày càng có nhiều đạo luật được lồng ghép, có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ của Chính phủ, Ủy ban phụ trách lĩnh vực bình đẳng giới của Quốc hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong cấp ủy Đảng, bộ máy nhà nước, các cấp chính quyền địa phương.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cần chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia để đảm bảo tính khả thi. Bố trí ngân sách cho việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới. Các bộ, ngành đầu tư nguồn lực cho công tác cán bộ nữ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách phát luật về bình đẳng giới thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ về kỹ thuật, thông tin tài chính của các tổ chức quốc tế…
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của các Bộ, ngành; trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Phát triển các hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới; chi ngân sách nhà nước cho công tác bình đẳng giới theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho những ngành, vùng, khu vực có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới, vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi còn nhiều tập tục lạc hậu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Dự án “Tăng cường cơ sở hạ tầng chính sách bình đẳng giới trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” do Viện nghiên cứu Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc tiến hành đã có những phát hiện đáng lưu ý như: trong chính sách về phụ nữ của Việt Nam, vấn đề nhân quyền và xóa bỏ bạo hành được xác định là lĩnh vực cấp thiết và ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, Dự án đã đưa ra kết luận rằng: Đối với chính phủ trung ương của Việt Nam, vấn đề nhân quyền và xóa bỏ bạo hành là chính sách chủ yếu, trong khi đó đối với chính phủ địa phương thì việc tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ là chủ lực, lĩnh vực trọng tâm ở địa phương khác trung ương. Như vậy, nhu cầu về mặt chính sách của phụ nữ thành phố và địa phương khác nhau. Điều này có nghĩa là Chính phủ cần phải đưa ra những quyết sách đúng đắn, những chương trình hành động phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng để bảo đảm đạt được bình đẳng thực chất giữa nam và nữ.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *