Nếp Sống văn hoá

Bỏ thói quen xấu

Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người hút mà còn  ảnh hưởng trực tiếp tới những người hít phải khói thuốc…

Sáng hôm ấy, gia đình chị Nga đến nhà tang lễ T. dự đám tang người quen. Ông cụ đã gần 80 tuổi, nhiều con cháu, lại từng công tác tại một trường Đại học có tiếng ở Thủ đô nên rất đông khách đến viếng.

Trời mưa nặng hạt nên khoảng sân nhỏ có mái che ngay trước khu làm lễ truy điệu trở nên bé nhỏ trước hàng đoàn người đến dự. Vì tình cảm với người đã khuất nên rất nhiều người vào viếng xong lại quay ra sân đứng chờ đến giờ làm lễ truy điệu. Gia đình chị Nga cũng vậy. Vừa đứng chưa yên chỗ, chị Hà giật mình bởi con gái kéo tay chị rồi thì thầm: “Mẹ ơi, ở đây nhiều người hút thuốc lá quá!”. Lời nói của con khiến chị Hà đưa mắt nhìn ra xung quanh. Trong sân, người cao tuổi, trung tuổi, thậm chí cả mấy cậu thanh niên mới lớn cũng đang hút thuốc lá và vô tư nhả khói vào không gian. Khoảng sân nhỏ sặc mùi thuốc lá. Không chịu nổi mùi thuốc, nhiều người có con nhỏ đành ra cổng đứng, dù trời đang mưa. Người nhăn mũi, nhíu mày khi nhìn những người hút thuốc. Có người tỏ thái độ, lấy tay làm quạt…quạt lấy quạt để như để xua bớt khói thuốc, mong những người đang hút thuốc nhìn thấy mà vứt điếu thuốc trên tay đi. Trái ngược với suy nghĩ và mong muốn của những người không chịu được khói thuốc, những điếu thuốc vẫn đỏ lửa. Thậm chí, khi thấy người quen mới đến, những người đang có mặt lại đưa thuốc để mời. Và dĩ nhiên, những người mới đến cũng không từ chối.

Minh họa: Ngọc Phan

Chị Nga cùng con sang gian phòng bên cạnh, nơi bày biện bàn ghế, nước uống cho khách đến viếng. Nhưng vừa vào phòng, chị Nga lập tức thất vọng. Ở đây cũng chẳng khác gì khoảng sân nhỏ trước khu làm lễ. Rất nhiều người hút thuốc lá. Chị Nga không hiểu họ vô tư, hay hồn nhiên, hay bất chấp sự khó chịu của mọi người để thỏa sở thích hay sự nghiện thuốc của mình bởi đảo mắt một lượt quanh phòng, chị thấy nhiều người khó chịu nhăn mặt, có người lấy tay áo, lấy khăn mùi soa che mũi…để ngăn bớt mùi thuốc lá. Nhưng điều mà chị ngạc nhiên hơn cả là dù khó chịu, dù không đồng tình với những người đang hút thuốc chủ động, những người hút thuốc thụ động (những người không trực tiếp hút thuốc nhưng phải ngửi khói thuốc) có tâm lý cam chịu, không ai lên tiếng.

Chị Nga đang tìm cách phù hợp để góp ý với những người hút thuốc thì một chuyện bất ngờ xảy ra. Một cụ bà là người nhà của cụ ông quá cố bị lả đi vì tụt huyết áp được dìu sang phòng để nghỉ ngơi, chờ đến giờ làm lễ truy điệu. Vừa giúp bà ngồi xuống ghế, chị  Nga vừa nhẹ nhàng:  “Khói thuốc lá rất độc hại đối với sức khỏe. Xin các anh, các bác ngừng hút thuốc lá để có không khí trong lành cho bà nghỉ ngơi, lấy lại sức để đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Xung quanh đây còn có nhiều trẻ em, người già, lại có cả phụ nữ mang thai nữa…Đó là những người rất cần được bảo vệ khỏi khói thuốc lá ”.

Hút thuốc lá là thói quen xấu cần loại bỏ

Không gian trong nhà thoáng một phút lặng đi vì những lời nói của chị Nga. Mọi người nhìn nhau. Những người không hút thuốc thì thào : “Chị ấy nói đúng quá. Sao lúc mình vào, thấy nhiều người hút thuốc mà mình không góp ý cho các ông ý nhỉ?”, “Hút thuốc lá là thói quen xấu cần phải loại bỏ!”, “Hút thuốc lá nơi công cộng là sai rồi”… Những người đang cầm điếu thuốc trên tay cũng nhìn nhau. Một người lặng lẽ dụi điếu thuốc đang cháy vào cốc đựng nước thừa trên bàn. Một người khác làm theo…Rồi tất cả cùng ngừng hút thuốc lá. Chẳng mấy chốc, không khí trong phòng đã trở nên trong lành hơn. Người bỏ tay áo, người bỏ khăn mùi soa che mũi xuống.

Con gái chị Nga lại thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi, tại vì ở đây không có biển cấm hút thuốc lá nên mọi người mới hút thuốc, phải không mẹ?”. Chị Nga nhẹ nhàng: “Thành phố  đã ban hành “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”, trong đó nêu rõ những việc nên làm, không nên làm ở nơi công cộng. Biển cấm chỉ là một chi tiết nhỏ. Điều quan trọng là ý thức tự giác của mỗi người khi ở những chỗ đông người con ạ. Nếu ai cũng ý thức được việc mình làm sẽ ảnh hưởng tới những người xung quanh như thế nào, thì họ sẽ có cách hành xử đúng mực. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới những người hít phải khói thuốc. Đó là việc không được làm ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người như nhà tang lễ, bến xe, bến tàu con ạ”.

Chẳng biết có ai ở trong phòng ra góp ý, kể lể gì với những người đang hút thuốc ở ngoài sân không  nhưng chỉ một thoáng sau, chị Nga thấy những người đang hút thuốc ngoài sân cũng dập bỏ điếu thuốc trên tay. Không còn ai nhăn mặt, lấy tay quạt nữa… Chị Nga thở phào, cùng dòng người tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Thế mới thấy, để thay đổi một thói quen xấu, như hút thuốc lá nơi công cộng, cần có thời gian nhưng để tạm ngưng thói quen xấu đó, cần lắm một sự góp ý trực tiếp, chân thành, đúng lúc và đúng mực.

Vân Thu

 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *