Văn hóa

Bồi đắp văn hóa Hà Nội trong từng phong trào

Hà Nội đang có 1.401 làng văn hóa. Quá trình đô thị hóa đang len lỏi về các vùng nông thôn, khiến cách gọi định danh cũng vì thế mà phố sá hơn: Tổ dân phố, khu dân cư; nhưng các phong trào bồi đắp cho văn hóa Thủ đô không vì thế mà thay […]

Hà Nội đang có 1.401 làng văn hóa. Quá trình đô thị hóa đang len lỏi về các vùng nông thôn, khiến cách gọi định danh cũng vì thế mà phố sá hơn: Tổ dân phố, khu dân cư; nhưng các phong trào bồi đắp cho văn hóa Thủ đô không vì thế mà thay đổi.

96% gia đình văn hóa

Tỷ lệ gia đình văn hóa luôn đạt con số hơn 80%, tại thôn Lương Quy (xã Hương Nộn, huyện Đông Anh) con số này đạt đến 96%. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng thôn Lương Quy, đây là mảnh đất nổi tiếng có bề dày văn hóa lịch sử, được bà con tiếp nối truyền thống, cùng nhau xây dựng đời sống vật chất và tinh thần phong phú và thôn được công nhận là làng văn hóa từ năm 1996. Hiếm có thôn nào cùng lúc tồn tại tới 6 câu lạc bộ văn hóa, gồm: Tuồng cổ truyền, hát dân ca, hát văn, múa lân sư rồng, trống Thăng Long và hát nhạc hiện đại. Các câu lạc bộ này duy trì hoạt động thường xuyên và thường tổ chức giao lưu văn hóa tại địa phương, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Đặc biệt, năm 1996, thôn đã dày công khôi phục lễ hội Kéo lửa thổi cơm thi đã bị mai một trong thời gian dài. Lễ hội có nhiều nghi lễ độc đáo, do vậy bà con thường xuyên được mời đi biểu diễn ở các nơi, thậm chí còn vào tận miền Nam để trình diễn.

Cùng với việc phát triển các hoạt động văn hóa, người dân trong thôn Lương Quy còn thực hiện tốt việc gìn giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, phát triển giáo dục đào tạo, thực hiện việc cưới, việc tang văn minh… Mặc dù trong thôn có tới 4.000 dân nhưng thời điểm này không có người nghiện hút, tình trạng trộm cắp hầu như không xảy ra, cơ bản các cháu đều học cấp ba và có tới 48% các cháu đỗ đại học, cao đẳng. Có được kết quả đó, theo trưởng thôn Nguyễn Hữu Dũng, do cả cán bộ và người dân cùng đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn truyền thống tốt đẹp hàng trăm năm nay của làng.
Tự hào là quê hương Hai Bà Trưng, người dân thôn Gio Nhân Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh luôn ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, cùng nhau xây dựng thôn làng ngày càng khang trang, giàu đẹp. Đi cùng phát triển kinh tế, thôn Gio Nhân Hạ quan tâm phát triển đời sống văn hóa tinh thần với việc xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, các mô hình văn hóa ở khu dân cư. Bí thư thôn Gio Nhân Hạ, Nguyễn Trọng Thủy tự hào, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thôn luôn trong top đầu ở xã Tiền Phong. Với các cuộc tuyên truyền vận động, đóng góp, xây dựng quỹ từ thiện, quỹ vì người nghèo, ủng hộ Trường Sa, quỹ khuyến học… người dân đều hăng hái tham gia. Cộng đồng dân cư phát huy tốt phong trào vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường sinh hoạt lành mạnh, giảm thiểu tối đa các tệ nạn xã hội. Thôn Gio Nhân Hạ không chỉ là làng văn hóa tiêu biểu của huyện Mê Linh mà còn là một trong 15 làng văn hóa tiêu biểu của TP Hà Nội.
Xây dựng làng văn hóa trở thành một phong trào rộng khắp ở Hà Nội, có sự quan tâm đặc biệt của ngành văn hóa, chính quyền địa phương cũng như sự vào cuộc của người dân. Hiệu quả đem lại từ phong trào này chính là xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tạo dựng môi trường văn hóa để phát triển con người văn hóa. Thông qua xây dựng làng văn hóa đã đẩy mạnh hoạt động về nếp sống văn hóa, định hướng cho người dân sống có ý thức hơn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Lồng ghép các chương trình
Trong khi các làng văn hóa đa phần đều xây dựng và phát huy tốt các phong trào, nếp sống văn hóa nhưng gặp không ít khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Một giải pháp được cho là “cứu cánh” cho làng văn hóa khi các địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Các làng văn hóa đồng thời được thụ hưởng các lợi ích khi đường nông thôn, điện chiếu sáng, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông… được đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức được biết đến là nơi có lễ hội chùa Hương nổi tiếng. 70% thu nhập của người dân trong thôn là nhờ vào lễ hội, do vậy đời sống người dân tương đối phát triển. Đi cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân thôn Yến Vỹ được chú trọng và thôn cũng được công nhận làng văn hóa tiêu biểu của TP Hà Nội.
Ông Đào Văn Hùng – Trưởng thôn Yến Vỹ cho biết: Xã Hương Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới và thôn của ông cũng được quan tâm nhiều. Thông qua chương trình này, thôn Yến Vỹ được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa 2 tầng khang trang. Tầng dưới đủ chỗ cho khoảng 600 người khi tổ chức hội nghị lớn, tầng 2 dùng để tổ chức hội họp quy mô nhỏ và một phòng đọc sách với hơn 2.000 đầu sách. Trường mầm non quy mô 15 phòng học và phòng chức năng đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, đình làng, văn chỉ, đền Trình của làng được tu bổ khang trang. Thôn cũng xây dựng được phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ Nhân dân. Ông Hùng cũng cho biết, thôn được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, khang trang khiến người dân rất phấn khởi.
Tương tự như vậy, tại thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh cũng huy động được hơn 8 tỷ đồng từ nhiều nguồn đầu tư xây dựng 8 tuyến đường dân sinh, đường ngắn là 200m, đường dài tới 2km. Thôn Gio Nhân Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát triển tốt công tác văn hóa, xã hội, quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, quan tâm công tác vệ sinh môi trường….
Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, việc xây dựng mô hình làng văn hóa trên địa bàn TP hiện nay thông qua Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới của TP đầu tư cho các xã, huyện ngoại thành cũng là đầu tư cho các làng văn hóa. Việc xây dựng làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới và tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng đáp ứng tiêu chí xây dựng làng văn hóa. Vì vậy, điều kiện xây dựng làng văn hóa hiện nay thuận lợi hơn khi TP có sự đầu tư cơ sở vật chất cụ thể, thậm chí có cả cơ chế, chính sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Điều đó đồng nghĩa giúp cả cho việc xây dựng làng văn hóa trên địa bàn Thủ đô đạt kết quả tốt hơn.

Những kết quả Hà Nội đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phản ánh rất rõ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cách triển khai bài bản, bền bỉ, linh hoạt, tôn trọng tính đặc thù của TP Hà Nội có thể là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập. Ông Huỳnh Vĩnh Ái  Thứ trưởng Bộ VHTT&DL

Việc gìn giữ và phát triển mô hình làng văn hóa đang gặp nhiều cái khó do một số địa phương, trong đó có huyện Hoài Đức đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Ông Đỗ Văn Thúy  Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoài Đức


Tổ chức Giao lưu các Làng văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2017
Sở VH&TT Hà Nội vừa tổ chức chương trình Giao lưu các Làng văn hóa tiêu biểu Thủ đô 2017. Tham gia giao lưu có 15 làng văn hóa ở 14 huyện, thị xã, tập trung vào 2 hoạt động: Hội thi văn nghệ giữa các Làng văn hóa và Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xây dựng Làng văn hóa, Xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới.
Cùng với chương trình giao lưu là Lễ Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu cũng đã diễn ra nhằm cổ vũ, động viên các gia đình văn hóa tiêu biểu có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dưng gia đình văn hóa. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 89 gia đình văn hóa tiêu biểu của 30 quận, huyện, thị xã đã được long trọng tuyên dương tại buổi lễ. Đó là những gia đình văn hóa 3 năm liên tục trở lên, là tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng, được cộng đồng suy tôn, ghi nhận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *