Di sản – Bảo tồn

Cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long và Truyền thống khoa bảng Hải Phòng”

Sáng 13/10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long và Truyền thống khoa bảng Hải Phòng”.

Hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, sáng 13/10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long và Truyền thống khoa bảng Hải Phòng” cho 3 trường THCS: Lý Học – Liên Am, Tiền Phong – Vĩnh Phong và Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Trung tâm văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Đến dự cuộc thi có ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, ông Trương Minh Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Khơi – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, ông Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông Phạm Ngọc Quỳnh – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Bảo, các đồng chí lãnh đạo các phòng Giáo dục & Đào tạo các quận, huyện của thành phố Hải Phòng cùng sự hiện diện của các thầy cô giáo và các em học sinh các trường THCS: Lý Học – Liên Am, Tiền Phong – Vĩnh Phong và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phát biểu tại cuộc thi, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhấn mạnh: “Trải qua gần 1000 năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm và qua nhiều lần tu sửa, ngày nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính với nhiều di vật quý hiếm là chứng tích của nền văn hiến – khoa cử nghìn năm như Khuê Văn Các, Điện Đại Thành, tượng thờ cùng hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự phong phú… và đặc biệt, 82 bia Tiến sĩ là Di sản Tư liệu Thế giới, Bảo vật Quốc gia phản ánh chế độ giáo dục, khoa cử của đất nước và truyền thống học tập của nhiều dòng họ, quê hương trong đó có thành phố Hải Phòng… Cuộc thi này góp phần cung cấp cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Truyền thống khoa bảng của thành phố Hải Phòng nói chung và quê hương Vĩnh Bảo nói riêng. Thông qua đó, giáo dục cho các em lòng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, khích lệ các em say mê học tập, tự rèn luyện vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và có ý thức bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc”.

Các cổ động viên nhiệt tình của 3 đội

Cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long và Truyền thống khoa bảng Hải Phòng” được chia thành 3 vòng thi gồm: Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Tìm hiểu về Truyền thống khoa bảng Hải Phòng; Hành trình đi tìm di sản.

Đặc biệt, cuộc thi không chỉ dành riêng cho các thành viên của ba đội chơi mà trong phần thi hiểu biết về di sản và truyền thống khoa bảng Việt Nam dành cho khán giả đã thu hút được hàng trăm em học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo hào hứng tham gia trả lời câu hỏi.

Sau ba vòng thi đầy hồi hộp và hấp dẫn, kết quả chung cuộc, giải Nhất thuộc về trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong, giải Nhì trường THCS Lý Học – Liên Am, giải Ba trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ban tổ chức trao giải Phong cách cho trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *