Nghệ thuật

Dành trọn đam mê cho nghệ thuật

Mỗi khi về với Hội làng thôn Cống Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, ai ai cũng biết đến tài biên đạo xuất sắc của ông Trần Duy Lợi, người luôn dành trọn đam mê cho chèo và những làn điệu dân ca. Ông Trần Duy Lợi (bên phải) được […]

Mỗi khi về với Hội làng thôn Cống Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, ai ai cũng biết đến tài biên đạo xuất sắc của ông Trần Duy Lợi, người luôn dành trọn đam mê cho chèo và những làn điệu dân ca.


Ông Trần Duy Lợi (bên phải) được đồng chí Đặng Văn Đức Chủ tịch xã Hồng Sơn (bên trái) tặng hoa chúc mừng trong ngày hội làng truyền thống thôn Cống Đặng

May mắn được sinh ra tại làng quê nổi tiếng với những làn điệu chèo tình tứ, đắm say lòng người, lại được trời phú cho giọng hát ngọt ngào, trong trẻo, ông Lợi đã sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật trong làng chèo không chuyên. Ông sớm có mặt ở hầu hết các đêm liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn”, khi thì hát, khi thì diễn kịch…và trở nên nổi tiếng khắp vùng khi vào vai Thị Kính trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”. Đặc biệt, giọng hát của ông từng vang lên trên sóng đài phát thanh tỉnh Hà Đông (cũ). Khi ấy, ông mới tròn 17 tuổi.
Khi vào quân ngũ, công tác tại Cục Bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu, tài năng nghệ thuật của ông vẫn luôn được nuôi dưỡng. Thời gian sơ tán lên Việt Bắc và sau này trở về Hà Nội, ông may mắn được anh Việt của đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, nghệ sĩ Tào Mạt, ông Thế Phiệt và một số nghệ sỹ của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, ông Vũ Dũng Minh ( Tác giả vở Đôi mắt ) ông Đào Ngọ của phòng văn nghệ quân đội, dìu dắt, giúp ông trưởng thành.
30 năm ở Cục Bản Đồ không năm nào ông Lợi vắng mặt tại các hội diễn. Ông 2 lần được tham gia vào hội diễn toàn quân và được đi biểu diễn ở hầu hết các rạp ở Hà Nội. Niềm vui của ông không chỉ ở những tấm huy chương vàng, những tiếng cổ vũ không ngớt của khán giả, mà còn là được thỏa niềm đam mê với nghiệp diễn, với ánh đèn sân khấu, bay bổng trong những làn điệu hát văn, hát chèo, quan họ…
Với tài năng sẵn có, lại được tham gia lớp đạo diễn sân khấu ngắn hạn, ông vững vàng bước vào mảng sáng tác và đạo diễn các vở ca kịch ngắn và gặt hái được không ít thành công. Đáng nhớ nhất là vở “Một vết mờ” được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam. Sở dĩ vở kịch trở nên nổi tiếng, để lại nhiều dấu ấn trong lòng cán bộ, công nhân viên ngành bản đồ là nhờ câu chuyện thật mà như đùa với sáng kiến sửa máy in bằng dầu long não. Đơn giản là do gioăng cao su của máy in bị lõm khiến bản đồ in ra bị mờ đúng vào điểm tác chiến quan trọng của chiến dịch. Khi được bôi dầu long não thì cao su nở ra, khắc phục được những vết mờ trên tấm bản đồ, kịp thời phục vụ tiền tuyến. Vở “Bức điện mạo” cũng là một thành công lớn, lấy đi bao nước mắt và tiếng cười của khán giả. Vở kịch ghi lại chân thực mối tình cảm động của người tiền tuyến, người hậu phương và được công diễn nhiều lần, đánh dấu sự thành công của ông trong lĩnh vực sáng tác và biên đạo.

Các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan văn nghệ mừng Hội làng do ông Trần Duy Lợi dàn dựng

Từ năm 1991 cho đến nay, về nghỉ hưu tại quê nhà, ông Lợi gây dựng đội văn nghệ của thôn bằng cả tinh thần, vật chất và niềm đam mê. Thành phần của đội văn nghệ là các cô chú thợ cày, thợ cấy, thợ bốc gạch, cô hàng cá, hàng thịt và có cả cán bộ thôn, xã và ở huyện, trong đó có các con và các cháu của ông. Đội nhạc là các cụ cao tuổi có cùng đam mê, sở thích. Nể ông tuổi cao sức yếu mà vẫn nhiệt tình với phong trào nên con cháu luôn quan tâm động viên ông, lãnh đạo thôn cũng luôn ủng hộ, đội văn nghệ luôn bảo nhau cố gắng thu xếp công việc để tham gia luyện tập. Nhiều thành viên trong đội ngày thì đi cấy thuê, bốc gạch thuê, có người đi làm thuê ở xa, có người thường xuyên phải dậy sớm từ 3h sáng để làm hàng đi chợ… tối lại về lại say sưa tập. Ông cũng vì thương, vì nể tinh thần cố gắng của cả đội mà miệt mài sáng tác, đạo diễn và huấn luyện.

Cứ đến tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, Nhà Văn hoá thôn lại nhộn nhịp trong tiếng đàn, tiếng hát. Điều đó càng khích lệ ông sáng tác thêm nhiều tác phẩm để đội văn nghệ của thôn có thể tham dự các liên hoan sân khấu của Thành phố và địa phương.  Các vở diễn của ông vẫn làm người khóc, người cười, dù dài vẫn cuốn hút người xem từ đầu đến cuối đêm diễn. Năm 2016, Tiết mục “Nàng dâu nghe mẹ đóng cửa dạy chồng” của ông tham dự Liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, đã xuất sắc dành 2 HCV, 1 HCB cho diễn viên. Riêng ông được tặng giấy khen giành cho tác giả cao tuổi nhất.


Lần đầu tiên người dân làng Cống Đặng được thưởng thức làn điệu quan họ trên thuyền do ông Trần Duy Lợi dàn dựng

Đã bước sang tuổi 78 nhưng hàng ngày, ông Lợi vẫn luôn tự học, tự rèn rũa, nghiên cứu thêm tác phẩm hát nhạc, từ tuồng, chèo đến quan họ, chầu văn….để đưa vào các chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng của địa phương. 78 tuổi nhưng có lúc diễn viên ốm đau đột xuất, ông vẫn vào vai đóng thế trên sân khấu. Được biết hàng năm CLB văn nghệ thôn Cống Đặng do ông làm chủ nhiệm cống hiến cho khán giả địa phương hàng chục chương trình văn nghệ đặc sắc nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm, đặc biệt là trong Lễ hội truyền thống của làng mỗi dịp đầu xuân.  Các con các cháu trong gia đình và người thân từng chứng kiến hình ảnh một cụ ông 78 tuổi, dạy cụ bà 77 tuổi đánh máy, sử dụng vi tính và đã quá quen thuộc với hình ảnh hàng ngày của ông: tai đeo headphone ngồi trước máy tính, tay tí tách trên bàn phím sáng tác, chỉnh sửa, biên tập kịch bản… Những vở diễn vẫn tiếp tục được thai nghén và ra đời. Việc tập luyện của các thành viên trong CLB vẫn hàng tuần diễn ra, đều đặn và sôi động sau những mưu sinh vất vả. Các vở diễn vẫn thu hút đông đảo bà con trong thôn ngoài xã…Với người dân nơi đây, kinh tế dù còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của họ không thể “nghèo”. “Ngọn lửa” đam mê với văn nghệ ấy được thắp lên và duy trì nhờ những đóng góp không nhỏ của ông Trần Duy Lợi, người đã dành cả một đời gắn bó với niềm đam mê nghệ thuật.

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *