Nghệ thuật

Dành trọn đam mê với Rối

Không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã gắn bó với mảnh đất này từ thuở đôi mươi lập nghiệp. Anh mang theo tình yêu rối nước từ quê hương mình đến với nơi đây, bền bỉ gìn giữ, sáng tạo và quảng bá bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc, góp phần tô đẹp, làm giàu thêm văn hóa đất kinh kỳ.

Nếu như có dịp đến với ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, chắc hẳn ai cũng cảm thấy bị thu hút bởi vẻ độc đáo và đặc biệt. Nhìn từ bên ngoài là đã thấy những chú rối đặt bên khung cửa sổ ở các tầng. Mỗi một ngóc ngách trong nhà, đâu đâu cũng có các chú Tễu, cô tiên, rồng vàng, em bé cưỡi trâu, từ kích thước nhỏ xinh cho tới cỡ lớn. Bên cạnh đó, những tấm bằng khen, giấy chứng nhận, ảnh chụp lưu lại hoạt động biểu diễn rối nước ở nhiều nơi trong và ngoài nước cũng được vị chủ nhân cẩn thận đặt trong từng khung kính, treo trên tường nhà. Không gian sân khấu rối nước thu nhỏ ấy chứa đựng tình yêu và tâm huyết của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm với nghệ thuật rối…

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm với sân khấu rối nước thu nhỏ do anh sáng tạo

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh trưởng trong một gia đình có bảy đời theo nghề rối nước ở xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông nội của anh là nghệ nhân Phan Văn Huyên, nổi tiếng về điêu khắc gỗ, tạc tượng và tạo hình rối nước. Cha anh là ông Phan Văn Ngải – người sáng tạo nên mô hình thủy đình được  hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng và là tác giả của chú Tễu trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Pháp. Thuở nhỏ, anh đã theo ông, theo cha đi biểu diễn tại các phường rối và được các cụ chỉ dạy phương pháp điều khiển, trình diễn, tạo hình cho rối. Xa quê lên lập nghiệp tại Hà Nội, trải qua nhiều công việc khác nhau với bao thăng trầm của cuộc sống nhưng niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật rối lúc nào cũng chảy tràn trong anh. Dù gặp nhiều khó khăn, anh vẫn quyết tâm theo nghề cha ông truyền lại.

Qua nhiều năm đeo đuổi nghệ thuật rối nước, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm dần nhận thấy những hạn chế của mô hình sân khấu rối nước truyền thống trong việc mang đi trình diễn lưu động để quảng bá loại hình nghệ thuật dân gian này tới đông đảo khán giả. Với những đạo cụ cồng kềnh, khó di chuyển, lại cần đến nhiều nhân lực vận chuyển, thật không dễ để mang đi trình diễn lưu động. Với mong muốn đưa rối nước đi khắp mọi miền để giới thiệu nét độc đáo, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã nung nấu ý tưởng thu nhỏ sân khấu rối nước. Năm 2000, mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ của anh ra đời. Sân khấu thu nhỏ này vẫn giữ nguyên những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, nhưng gọn nhẹ và linh hoạt hơn. Toàn bộ thủy đình và bể nước rộng hơn 1m2, chứa khoảng 2/3 mét khối nước. Các nhân vật rối đều được tạo tác với kích thước nhỏ, chú rối cao nhất cũng chỉ tầm 20cm. Khi biểu diễn, người điều khiển rối có thể ngồi trên sàn mà không cần ngâm mình dưới nước. Khoảng cách từ cánh tay người điều khiển tới con rối ngắn hơn, cộng với các con rối có kích thước nhỏ nên nhẹ hơn, giúp cho diễn viên điều khiển rối dễ dàng, sinh động và hấp dẫn hơn. Hơn nữa, một người có thể điều khiển được cùng lúc nhiều chú rối. Với mô hình thu nhỏ, sân khấu sẽ gần khán giả hơn. Người xem có thể thấy được rõ nét chuyển động của rối trong từng nhịp sóng nước và tận mắt chứng kiến sự điêu luyện, uyển chuyển của đôi tay người nghệ sĩ trình diễn.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã dành gần như toàn bộ diện tích căn nhà nhỏ hẹp của mình để dành cho rối. Có lẽ không gian sinh hoạt của bốn thành viên trong gia đình anh còn không lớn bằng khu vực để chế tác và dựng sân khấu rối nước. Anh may mắn có người vợ thông cảm, chia sẻ và đồng hành cùng anh trong cuộc sống. Lớn lên trong không gian nghệ thuật rối nước, con trai anh dường như cũng đã được nuôi dưỡng tình yêu với rối từ cha mình. Giờ đây, cậu cũng đã có thể điều khiển rối khá thành thạo và cùng anh biểu diễn.

Sân khấu rối nước thu nhỏ tại phố chợ Khâm Thiên của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm từ nhiều năm nay đã trở thành một điểm đến văn hóa, du lịch của khán giả Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước. Khán giả đến với ngôi nhà nhỏ của anh đều được mời thưởng thức những món quà quê bình dị như kẹo lạc, nước chè xanh, nghe giới thiệu về nghệ thuật rối nước độc đáo, xem múa rối rồi sau đó tự mình trải nghiệm điều khiển rối nước và khám phá cách làm những chú rối xinh xắn… Tại sân khấu thu nhỏ ấy, những vị khách phương xa đã được thưởng thức những tích trò rối mang đậm bản sắc Việt như chăn trâu thổi sáo, chọi trâu, đánh võ, rước kiệu, đua thuyền, múa rồng… Bên cạnh việc phục hồi và trình diễn các tích trò truyền thống quen thuộc, anh tự mình biên soạn những trò rối nước mới, lồng ghép với việc tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường…

Rối nước dân gian  được biểu diễn ngay tại sân trường cho các em học sinh mẫu giáo

18 năm qua, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã mang sân khấu múa rối nước thu nhỏ của mình đi biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Ý, Ba Lan… Hiện anh đang là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam và đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng như trong việc sáng tác và biểu diễn nghệ thuật.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đưa sân khấu rối nước thu nhỏ đến gần hơn với khán giả

Nhiệt huyết, đam mê cùng những nỗ lực kiên trì và bền bỉ, nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm vẫn từng ngày lưu giữ, sáng tạo và phát huy nghệ thuật múa rối dân gian truyền thống.

 Minh Trang

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *