Tôi vừa quay xong Họ Lý tên Thông, Chôn nhời 5 và đang ở khâu hậu kỳ. Họ Lý tên Thông ấp ủ năm ngoái nhưng kịch bản chưa chín nên năm nay mới thực hiện được. Nghe cái tựa đề, khán giả tưởng chuyện Lý Thông-Thạch Sanh, tuy nhiên đây là đề tài cực kỳ mới. Nếu không có ý tưởng mới tôi không làm.

Tôi rất thích ý tưởng: Con người sinh ra ai cũng tốt, rơi vào hoàn cảnh khác nhau mới nảy sinh bản chất khác nhau. Lý Thông nhà nghèo lên rừng săn bắn, cứu Thạch Sanh khỏi rơi xuống vực sau đó kết nghĩa anh em, không nề hà làm rất nhiều việc tốt nhưng cứ mỗi lần làm việc tốt lại bị nghi kị do khuôn mặt rất “gian”. Bị dồn vào đường cùng sau nhiều lần oan khuất, Lý Thông biến thành gian manh với đủ trò, không ngại lừa em kết nghĩa Thạch Sanh trong chuyện tình cảm.

Chôn nhời 5 tiếp format của nhiều năm trước đó, được nghệ sỹ trong đoàn đánh giá hay nhất trong 5 năm nay, bởi có rất nhiều trò diễn. Năm nay chúng ta có quá nhiều sự kiện được công chúng và giới truyền thông quan tâm, tôi tổng kết lại những điểm nhấn đặc sắc. Chẳng hạn loạt sự kiện nóng của ngành giáo dục, BOT tiền lẻ tiền chẵn, chuyện xây các tượng đài ở các địa phương, biệt phủ, giải cứu lợn hay thuốc ung thư giả. Chúng tôi không lên án một cách cay nghiệt, mà đưa vấn đề theo cách hài hước để khán giả đánh giá.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng chỉ đạo NSƯT Quốc Anh diễn ‘Chôn nhời 5’

Cách xử lý chuyện thời sự theo lối dân gian như thế anh có sợ giống Táo quân?

Hai bên cùng tổng kết sự kiện nóng trong năm, tuy nhiên Táo quân được thể hiện bằng hình thức sân khấu, mang tính ước lệ cao và lối tung hứng văn nói giữa các diễn viên. Chúng tôi làm thành phim, với mỗi vấn đề đều phải có tình huống và không gian thời gian… một cách cụ thể, logic.

Là một trong những đạo diễn theo đuổi lối làm hài tết dân gian, anh có lo bị nhàm chán và cạn vốn?

Thời trước tôi làm Râu quặp, Thầy dởm… đúng là câu chuyện phần nào đó có sẵn trong dân gian. Những năm gần đây đa phần phim hài tết của tôi như: Chôn nhời, Quan trường trường quan, Trở lại, Bờm… hoàn toàn không có trong dân gian nên tôi không bao giờ sợ cũ. Làng quê Việt Nam với cây đa giếng nước sân đình… là những cái cũ, nhưng câu chuyện cần mới. Có lẽ tôi là một trong số ít người “dũng cảm” còn theo đuổi hài dân gian, bởi kinh phí lớn và khó làm. Chỉ xét về bối cảnh chúng tôi phải đi chọn rất nhiều, đâu cũng vướng cột điện, nhà ngói. Đa phần chúng tôi phải tạo dựng lại bối cảnh, hoặc đôi lúc phải chấp nhận quay cái cổng nhà ở nơi này còn trong nhà lại ở một nơi khác.

Làm phim từ chất liệu dân gian đòi hỏi kinh phí không nhỏ nhưng thời buổi này các nhà sản xuất đau đầu đối mặt nạn đĩa lậu?

Mấy năm gần đây ít người nhắc tới đĩa lậu, vì ngày càng ít người xem đĩa. Nhiều năm nay chúng tôi không quan tâm nhiều tới vấn đề đó vì doanh thu từ đĩa không còn như xưa. Tuy nhiên hình thức lậu tinh vi hơn là phát hành lậu trên mạng, cho nên gần đây tôi quan tâm nhiều hơn đến kinh doanh mạng, bán bản quyền cho các kênh truyền hình. Năm ngoái có 52 kênh mua bản quyền phát sóng phim tết của chúng tôi từ mùng 1 tới mùng 6 tết, năm nay hy vọng cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả và các kênh truyền hình như vậy.

Anh nghĩ sao về thị trường hài tết hiện nay, theo anh vì sao khán giả dù chê nhưng vẫn xem những sản phẩm nhạt và nhảm?

Theo tôi phim hài tết cũng giống như một sản phẩm nào đó: mứt tết, kẹo bánh… trong ngày tết thôi. Ngày nay cái “chợ” bán sản phẩm đông hơn, thời tôi làm Râu quặp xưa gần như “chợ” chỉ có một mình, năm nay đếm nhanh cũng hơn chục phim hài tết. Tôi thấy mừng vì “chợ” đông lên, bà con nhiều lựa chọn. Nhưng phải nói thật ngày xưa mỗi dịp chúng tôi phát hành, khu phố xung quanh trụ sở Nghe nhìn Thăng Long tắc cứng, nay gần như không có cảnh ấy. Khán giả bây giờ ít quan tâm hơn tới hài tết. Tuy thế tôi cho rằng hài dân gian vẫn sống mãi trong lòng người Việt, bởi người ta muốn trở lại cội nguồn mỗi dịp tết đến xuân về. Còn chuyện hài nhảm tôi nghĩ cứ để thị trường sàng lọc. Đến lúc nào đó khán giả không còn hứng thú nữa thì nó tự bị đào thải, bởi làm hài bây giờ ngày càng khó, sao cho khán giả cười mà không phản cảm.