Di sản

Di tích Lịch sử – Văn hóa Đền Đồng Nhân

Hàng năm ngoài dịp lễ hội, đền Đồng Nhân còn mở cửa thường xuyên cho du khách viếng thăm. Đặc biệt trong những ngày Tết, nhân dân thủ đô và khách thập phương đến đây tưởng niệm công đức Hai Bà Trưng, cũng chiêm bái ở hai bên đền các ban thờ Phật, thờ Mẫu trong chùa Viên Minh và ban thờ thành hoàng trong đình làng Đồng Nhân.

Đền Đồng Nhân tọa lạc tại phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ nhiều thế kỷ qua, nơi đây là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, linh thiêng bậc nhất ở kinh đô Thăng Long.

Tương truyền, Hai Bà Trưng tự vẫn trên sông Hát, khí thiêng hóa thành hai tảng đá trắng trôi về Thăng Long, đến bến Đồng Nhân, ban đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước tượng và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông. Đó là vào năm 1142, đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), do đất bị lở nên dân làng phải dời ngôi đền tới khu Cựu Võ Sở của triều Lê ở thôn Hương Viên, nhưng vẫn giữ tên đền cũ. Làng Đồng Nhân khi đó thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Từ 17/7/1914, chính thức sáp nhập vào địa phận Hà Nội.

Đền Đồng Nhân xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” trong một khuôn viên 4000m2, có tường bao ngoài. Trước mặt đền có một nguyệt hồ khá lớn, xung quanh cây cối xum xuê. Từ ngoài đi vào khoảng sân rộng của cụm di tích, qua cổng nghi môn với bốn cột trụ gạch, bên trái là tấm bia lớn cưỡi lưng rùa dưới bóng cổ thụ, bên phải là một phương đình kiểu hai tầng tám mái có đôi rồng chầu, phía sau bàn đá và cột cờ.

Nhà tiền tế 7 gian có hàng hiên thấp nhưng mái rất rộng, từ sân trước lên hiên gạch có thềm rồng, các bậc ở giữa mới được thay bằng một bức phù điêu bằng đá chạm cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đoàn nữ binh đánh đuổi giặc Hán. Tiền tế nối với hậu cung bằng tòa thiêu hương xây 2 tầng 8 mái. Một hành lang rất dài từ gian bên của tiền tế đi dọc cạnh thượng điện và dẫn thẳng đến sân sau, nơi có các cửa ngách mở thông sang chùa Viên Minh qua bức tường hồi. Tại sảnh tiền tế có bày tượng hai con voi thờ bằng gỗ sơn đen, ngà của voi là ngà thật. Giáp tường hồi lại có bia đá và các văn bản giới thiệu di tích. Trong tòa thiêu hương đặt ngai thờ và một bức khảm thể hiện hình tượng Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc.

Ở hậu cung có tượng vua chị Trưng Trắc mặc áo vàng, vua em Trưng Nhị mặc áo đỏ cùng 6 nữ tướng hai bên, trong đó bao gồm tượng các vị Lê Chân, Hòa Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính. Hiện trong đền vẫn còn giữ được khá nhiều các đồ tế khí sơn son thếp vàng như bát bửu, lộ bộ, các bức hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nội dung ca ngợi công đức Hai Bà Trưng.

Trên sân rộng trước bái đường có tấm bia Trưng Vương sự tích bi ký, do tiến sĩ Vũ Tông Phan, một nhà giáo nổi tiếng của Hà Nội soạn năm 1840. Bia khắc chữ một mặt, khổ 105x153cm. Toàn văn gồm 13 dòng, 400 chữ Hán, nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc “Nam bang tiết liệt”, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Hợp Phố và 65 thành ở lĩnh ngoại đều hưởng ứng, dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, uy danh lẫy lừng khắp Lĩnh Nam, tiếng tăm khắp cả Hoa Hạ. Mưu trí như Mã Viện mà bị thua trận, thanh thế quân ta đã làm cho người Hán phải mất ăn mất ngủ mấy năm.

Để tỏ lòng tôn kính Hai Bà, từ mồng 4 tháng Hai, làng đã vào đám bằng tế nhập tịch; mồng 5 là hội rước nước. Đám rước đi từ đền ra phố Huế, lên Hàng Bài đến tận đền Bà Kiệu ở Hồ Gươm, rẽ ra Cột đồng hồ ở phố Trần Nhật Duật, rồi đưa choé xuống thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước về nấu với trầm hương để tắm tượng. Hai lão bà trong làng, tính cách khiêm nhường, đức hạnh, được dân cử để tắm tượng, mặc áo mới cho Hai Bà trong ngày hội lớn.

Hội đền Hai Bà đến nay vẫn giữ được cốt cách riêng và là lễ hội có quy mô lớn trên đất Hà Nội. Hội diễn ra từ chiều mồng 4 đến hết ngày 7 tháng Hai. Chính hội ngày 5 và ngày 6 tháng 2. Chiều mồng 4 tế yết mở cửa đền, mồng 5 tế nữ quan. Sáng mồng 6, trước sự có mặt của hàng ngàn người dự hội, có chương trình biểu diễn nghệ thuật, tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Tiếp sau lễ mít tinh long trọng trên sân đền có trò đấu vật, múa roi, múa sư tử. Giữ tục lệ đẹp, vào 12 giờ trưa có rước cỗ ông chủ. Sau đó là tế hội đồng của 4 xã kết chạ.

Ngày 4-4-1926, tại sân đền Đồng Nhân, đông đảo nhân dân Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, thể hiện tinh thần đoàn kết chống thực dân ngay giữa thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Ngôi đền đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia ngay đợt đầu tiên năm 1962.

Hàng năm ngoài dịp lễ hội, đền Đồng Nhân còn mở cửa thường xuyên cho du khách viếng thăm. Đặc biệt trong những ngày Tết, nhân dân thủ đô và khách thập phương đến đây tưởng niệm công đức Hai Bà Trưng, cũng chiêm bái ở hai bên đền các ban thờ Phật, thờ Mẫu trong chùa Viên Minh và ban thờ thành hoàng trong đình làng Đồng Nhân.

 Nam Bình

(Ảnh: Internet)

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *