Thế thao thành tích cao

Đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam: “Khán giả ít đến sân vì bóng đá chưa sạch”

Nguyên nhân chính khiến Bóng đá chưa thu hút khán giả chính là do Bóng đá chưa sạch, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn thừa nhận

Buổi đối thoại về “Phát triển bóng đá Việt Nam” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì cùng với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam, các chuyên gia, các nhà quản lý Bóng đá và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã diễn ra 5 tiếng đồng hồ tại Văn phòng Chính phủ chiều 13/1/2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) chủ trì buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biết, trước khi cuộc tọa đàm diễn ra, Văn phòng Chính phủ cũng trực tiếp nhận được 29 câu hỏi, ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người hâm mộ liên quan đến những vấn đề của bóng đá nước nhà, với những chất vấn cụ thể.

Phía Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, ông nhận được 28 câu hỏi đề cập tới 7 nhóm vấn đề cụ thể như vấn đề phát triển bóng đá trẻ, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam…

Sau lời phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo buổi đối thoại. Phó thủ tướng trực tiếp đọc từng câu hỏi đã được Văn phòng Chính phủ tổng hợp lại (chia thành 5 nhóm vấn đề gồm Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Bóng đá phong trào; Bóng đá học đường; Công tác đào tạo trẻ; Các hiện tượng tiêu cực trong thi đấu Bóng đá tại các giải thi đấu quốc gia và Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Các nhóm câu hỏi lần lượt được lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giải đáp thẳng thắn, công khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Mở đầu là câu hỏi, “Các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam có quá cao hay không?”. Câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ trực tiếp trả lời. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Các mục tiêu đặt ra trong chiến lược là phù hợp và không nhất thiết phải điều chỉnh. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chiến lược, kết quả đạt được không như mong muốn. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này”.
Tiếp đến, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi “Ngành Thể thao đã đốc thúc việc thực hiện Chiến lược như thế nào? Công tác kiểm tra, giám sát đã chặt chẽ chưa? Và có tiến hành kiểm điểm hay không?”. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời về vấn đề này, “Tổng cục TDTT đã phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị triển khai chiến lược. Chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, trao đổi cùng Liên đoàn Bóng đá Viêt Nam về việc xây dựng các kế hoạch cũng như tiến hành kiểm điểm, đánh giá những kết quả và tồn tại của Bóng đá Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận đã chưa giám sát một cách quyết liệt và chưa có kiểm điểm kỹ càng từng nội dung cụ thể”. Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Nội dung về Bóng đá phong trào và Bóng đá học đường đã được quan tâm phát triển. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ VHTTDL đã ký kết chương trình phối hợp, tuy nhiên việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Và một loạt những nguyên nhân được nêu ra như: Thiếu hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu… Không thỏa đáng với câu trả lời của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về vấn đề này, Phó Thủ tướng mong muốn có một câu trả lời rõ ràng: “Trong điều kiện chỉ có như vậy, thì có thể làm được Bóng đá học đường hay không?”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong vấn đề này, hai Bộ đã chưa phối hợp được chặt chẽ với nhau nên việc triển khai không hiệu quả. Bởi vậy, trong thời gian tới đề nghị: “Hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực TDTT, trong đó có Bóng đá. Cùng ngồi lại với nhau, cùng rà soát xem còn gì khó khăn, có mắc mớ gì không để cùng giải quyết nhằm góp phần phát triển giáo dục đào tạo theo hướng Đức – Thể – Mỹ”.
Về vấn đề tại sao các giải Bóng đá phong trào thì luôn hấp dẫn khán giả, trong khi các giải quốc gia thì khán giả lại ít đến sân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là không sạch, không đẹp, không trung thực. Các đồng chí có đồng ý không? Nếu đồng ý có quyết tâm làm sạch không? Tôi đề nghị tất cả các đơn vị liên quan đều phải trả lời câu hỏi này”.
Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn thừa nhận “Một trong những nguyên nhân chính khiến các giải đấu vắng khán giả chính là do Bóng đá chưa sạch là đúng và cho biết, Liên đoàn sẽ kiên quyết loại bỏ những hiện tượng đó vì đây là nền tảng cho Bóng đá phát triển”.
Về phía Tổng cục TDTT, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến Bóng đá chưa thu hút khán giả chính là do Bóng đá chưa sạch. Tổng cục TDTT sẽ kiên quyết chấn chỉnh và làm Bóng đá sạch hơn.
Thống nhất với ý kiến của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Tổng cục TDTT, Thứ trưởng Lê khánh Hải nói: “Nhận định của Phó Thủ tướng là đúng. Thời gian qua, Bóng đá đã để mất niềm tin. Tới đây, Bộ sẽ kiên quyết chỉ đạo đề ra các giải pháp để xử lý vấn đề này. Chúng tôi sẽ làm tốt nhất trong các giải pháp đưa ra”.
Trưởng Ban tổ chức giải V.League Nguyễn Ngọc Minh cũng cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc và kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực, thưởng điểm, cho điểm trong các mùa giải tiếp theo”.
Một vấn đề nữa cũng nhận được sự quan tâm của buổi đối thoại là mục tiêu vô địch SEA Games. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: “VFF và Tổng cục đã tập trung đào tạo trẻ nhiều hơn. Những năm gần đây, các đội trẻ do VFF chịu trách nhiệm toàn bộ.

Hiện Bộ VHTTDL đầu tư kinh phí cho các đội trẻ, thuê các chuyên gia, HLV có kinh nghiệm cho đào tạo trẻ, tạo điều kiện cho các đội trẻ được tập huấn và thi đấu nước ngoài, từng bước hoàn thiện hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21, qua đó từng bước đạt kết quả, nâng cao thành tích. Trong khi, VFF cũng hết sức quan tâm, đầu tư cho U22 ở SEA Games vừa rồi. Chúng ta cũng đang tập trung cao độ cho SEA Games kế tiếp”.
Kết luận tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ VHTTDL khi trả lời vấn đề thẳng thắn. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của mọi người về bóng đá rất lớn vì vậy việc nhìn thẳng vào các vấn đề là tín hiệu tốt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Như Bộ trưởng đã nói rất cầu thị, nhưng đề nghị Bộ và LĐBĐVN tập hợp các câu hỏi và trả lời lại công khai. Tôi đề nghị anh Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo Bộ VHTTDL và VFF. Mọi câu hỏi trả lời hôm nay lọc ra thành từng nhóm. Những gì tiếp thu được phải thành một lời cam kết công khai. Những điều đó phải được thảo luận rất kỹ trong các buổi họp, thảo luận sau này của Tổng cục và trong chương trình nghị sự của Liên đoàn tới đây”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta trả lời xong rồi bỏ đấy thì cũng chưa ổn. Trên một tinh thần nhìn về quá khứ gợi lại cái tốt đẹp để cầu thị, có sự đổi mới. Đổi mới thật sự, đem lại lòng tin cho nhân dân. Với tinh thần như vậy, các đồng chí nghiêm túc về vấn đề này. Thể thao phát triển văn hóa và con người, đủ các mặt. Bóng đá đặc biệt vì là mầu cờ sắc áo và đây là sự nghiệp chung, không khoán gọn cho Bộ ngành nào được. TDTT rất quan trọng. Bóng đá rất đặc biệt. Đây là sự nghiệp chung, là màu cờ sắc áo của dân tộc và trách nhiệm đầu tiên phải là của Bộ VHTTDL. Dựa trên điều đó, chúng ta mới kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp và mọi người”.
Về Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng: “5 năm qua chậm nhiều, giờ cần chạy nhanh hơn. Bao giờ từng dự án được phê duyệt và thực hiện hiệu quả thì mới thành công. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục những sự kiện để các ý kiến được đặt lên bàn một cách cởi mở, công khai, minh bạch. Chúc bóng đá Việt Nam có bước tiến bộ”.
Thay mặt Tổng cục TDTT, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại buổi đối thoại.

N.M

 

Theo Thể thao ngày nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *