Anh thấy sao trước dư luận rằng cần 100 tỷ đồng để đập thông 127 vòm cầu là quá nhiều?

Tôi nghĩ là có “tội” một chút khi một số tờ báo đưa ra con số cần 100 tỷ đồng để đập thông vòm cầu. Thực ra chi phí chưa đến 100 tỷ đồng này dành cho xây dựng 7.000 m2 khi đục thông vòm cầu. Chi phí đục thông chắc chỉ trăm triệu đồng, số tiền kia là tổng mức dự án để biến không gian chết thành không gian sống và có ý nghĩa. Nó không chỉ đem lại lợi ích văn hoá, cộng đồng mà cả kinh tế. Chúng ta phải có nguồn thu mới bảo trì, quản lý tốt được. Sau khi đục thông và cải tạo chúng ta có không gian 7.000 m2, với chi phí đó đâu có cao.

Chúng tôi tư vấn hết sức chuyên nghiệp. Thành phố làm việc khá bài bản: Đầu tiên kiểm tra, xin phép và được sự đồng thuận của Bộ Giao thông Vận tải; cẩn thận đề xuất đục thông một vòm cầu để nghiên cứu hiện trạng và chi phí sau đó mới nhân rộng 127 vòm cầu. Đây là dự án cải tạo di sản đô thị nên chúng ta cần thận trọng, cần đối xử hết sức nghiêm túc không thể làm ào ào cho xong.

Một số người phản ứng ở chỗ Hà Nội sính ngoại, cậy tới người nước ngoài tham gia dự án. Họ cho rằng xưa bịt vào nay chỉ cần đục thông là xong?

Đồng ý. Dự án sẽ có nhiều bước, các cơ quan tư vấn Việt Nam có thể làm được việc đục thông này, nhưng họ có kinh nghiệm làm việc này chưa? Chưa đúng không? Vậy chắc gì họ có thể làm đúng các bước? Nếu tôi có công trình như thế, là nhà đầu tư cá nhân tôi cũng thuê người có kinh nghiệm. Đây không phải là công trình xây dựng đơn thuần, nó là vật trang sức của thành phố. Chúng ta đang cải tạo đồ trang sức, cần người có kinh nghiệm. Tôi là người Việt từng đứng đầu nhóm 20 người Pháp khi còn làm ở Pháp. Tôi cũng đánh giá cao người Việt nhưng chúng ta nên lựa chọn thông minh, không nên duy ý chí. Người Việt Nam có thể kết hợp với chuyên gia nước ngoài có sao đâu, hơn nữa các bước khảo sát địa chất vẫn do người Việt làm. Tuy nhiên chúng ta cần nhạc trưởng. Sau khi đục thông và xử lý xong về mặt kỹ thuật, chúng ta cần cải tạo không gian đó. Việt Nam chưa có công trình tương tự. Đơn vị của GS.KTS d.p.l.g Eric Dubosc từng trực tiếp thực hiện dự án cải tạo vòm cầu Issy Les Moulineaux nối vào Paris, biến chúng thành không gian văn hoá nghệ thuật. Tôi nghĩ chúng ta có cơ hội cởi mở để học hỏi kinh nghiệm.

Môt vòm cầu không bị xây bịt – Ảnh: Mạnh Thắng

Vậy trước mắt các anh thực hiện thử nghiên cứu một vòm cầu cụ thể theo các bước nào?

Nếu đục tất cả thì chi phí cho giám sát và kỹ thuật sẽ lớn và phải đối diện rủi ro, cho nên chúng tôi đề xuất làm thử một vòm cầu. Chúng tôi thử về mặt kỹ thuật, khẳng định không vấn đề gì sẽ đề xuất thành phố nên làm hẳn một đoạn giảm thiểu chi phí. Hơn nữa, mỗi vòm cầu chỉ có khoảng vài chục mét vuông nên khó để làm nên cái gì đó ý nghĩa, như thế dự án dễ trở thành manh mún.

Đục thông vòm cầu có thể không phải vấn đề đau đầu, điều đáng quan tâm là hình hài của cả đoạn đường này sẽ ra sao trong tương lai?

Chúng tôi nghĩ rằng có thể biến nơi này thành không gian thư viện, start-up cho người trẻ, không gian cà phê, triển lãm. Nhưng điều này thuộc về đề bài của thành phố. Chúng tôi họp bàn nhiều lần với UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội, lắng nghe ý kiến người dân và đến nay làm theo hướng mở: Đề bài phải mềm dẻo sao cho không gian này phù hợp nhất với tình hình thực tế, cần làm từng bước không vội vã.

KTS Nguyễn Việt Huy cho biết đơn vị tư vấn chuẩn bị các phương án, lường trước một số vấn đề chuyên môn khi làm thử. Theo kế hoạch trong năm nay sẽ thử nghiệm vòm cầu đầu tiên. Khi được hỏi về khó khăn việc bố trí khu vực gửi xe ở không gian này, KTS. Huy nói rằng Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch chỉnh trang chợ Đồng Xuân và khu vực phụ cận. Điều này có tác động tích cực tới không gian cầu Phùng Hưng, nhất là trong việc bố trí bãi gửi xe và không gian cho sinh hoạt cộng đồng.