Văn hóa

Giàu lòng mến khách

Những nụ cười, những niềm hạnh phúc của du khách khi nhận lại đồ vật bị thất lạc là động lực để anh cùng bộ phận phục vụ của Di tích nỗ lực hơn nữa

Từ nhiều năm nay, anh Trần Trung Bắc, nhân viên phòng Hành chính tổng hợp, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã rất quen với việc tìm trả những hiện vật mà du khách không may bỏ quên trong khuôn viên của Di tích. Những nụ cười, những niềm hạnh phúc của du khách khi nhận lại đồ vật bị thất lạc là động lực để anh cùng bộ phận phục vụ của Di tích nỗ lực hơn nữa với mong muốn mang tới cho du khách một cảm giác an toàn và thân thiện mỗi khi có dịp “tìm về với ký ức lịch sử”.

Anh Bắc trao trả lại đồ thất lạc cho du khách

Trong những năm gần đây, lượng du khách tới thăm quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò tăng cao, vì vậy, việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách được đặc biệt chú trọng. Trong quá trình tham quan, du khách luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bộ phận phục vụ. Đặc biệt, có nhiều du khách trong thời gian tham quan đã sơ ý làm rơi hoặc để quên đồ, từ những đồ vật ít có giá trị như: một chiếc găng tay, một bao máy ảnh, thẻ gửi xe, quyển sách hay tấm bưu ảnh… tới những tài sản có giá trị như: máy ảnh, điện thoại, ví, tiền mặt, thẻ ngân hàng… đều được anh Bắc và nhân viên của di tích tận tình tìm kiếm và trao trả tận tay.
Trong hàng chục lần tìm trả đồ thất lạc cho du khách, anh Bắc nhớ nhất là lần trả lại tập tài liệu cho du khách người Hàn Quốc, trong đó có vé máy bay, 02 thẻ Master Card, giấy tờ khách sạn và các loại tiền trị giá hơn 20 triệu đồng. Lần ấy, sau khi liên hệ với Ngân hàng kiểm tra thông tin của chủ thẻ, liên hệ với khách sạn nơi khách lưu trú… anh Bắc đã trực tiếp viết email cho ông Chang Yong Kim về việc tìm thấy tập tài liệu của ông và đề nghị liên lạc lại để bàn giao. Ngay chiều hôm ấy, ông khách người Hàn Quốc đã quay trở lại để nhận lại đồ thất lạc và gửi tặng ca trực hôm ấy 100 USD, nhưng anh Bắc nhất định không nhận. Cảm kích trước tấm lòng của bộ phận phục vụ, ông đã viết thư cảm ơn và gửi lời mời tiếp đón nồng hậu khi đoàn có dịp sang thăm Hàn Quốc.
Một lần khác, có du khách quên máy ảnh ở phòng đón tiếp Nhà B. Trích suất camera, anh Bắc xác định đó là máy ảnh của hai du khách người Úc. Đến chiều vẫn chưa thấy du khách quay trở lại, anh cùng bộ phận phục vụ xem lại thông tin trong máy ảnh và nhận ra người dẫn đoàn là Hướng dẫn viên của Công ty APT. Liên hệ với công ty lữ hành thì đoàn khách đã về tới Hội An và hai du khách xác nhận là bị mất máy ảnh, nhưng không biết ở đâu. Và lần ấy, anh đã giúp du khách tìm lại được máy ảnh. Tuy đó là đồ vật không quá giá trị, nhưng du khách rất vui vì đã tìm lại được những tấm ảnh lưu giữ lại khoảnh khắc đẹp khi lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những du khách được trả lại ví, điện thoại IPhone, túi, hộ chiếu, máy ảnh…ngay sau khi tham quan một vòng quanh Di tích Hỏa Lò, vì tại đây, có một bộ phận phục vụ thường xuyên theo chân du khách để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết, một bộ phận khác thường xuyên quan sát hệ thống camera để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách tham quan…Ngay cả những trường hợp bị thất lạc ngoài khuôn viên di tích cũng được anh Bắc và đội ngũ nhân viên nơi đây tích cực hỗ trợ. Và đôi khi có du khách để quên đồ ở nơi khác cũng được anh trích xuất camera giúp du khách xác định thời điểm mất…
Bên cạnh đó, anh Bắc cũng là người đề xuất ý tưởng đặt 04 panô giới thiệu về di tích Nhà tù Hỏa Lò tại phố Sách Hà Nội (phố 19/12), phố kế bên di tích, nơi người dân đi bộ, có nhiều thời gian thư giãn và trải nghiệm và tiếp cận một điểm đến mang dấu ấn lịch sử, với mong muốn thu hút thêm nhiều du khách trong nước tới tham quan di tích. Ngoài hình ảnh trực quan, panô còn có sơ đồ chỉ dẫn, có thông điệp để quảng bá và đưa di tích đến gần hơn với người dân.


Panô giới thiệu về di tích Nhà tù Hỏa Lò tại phố Sách Hà Nội (Phố 19/12)

Khi kể về những câu chuyện, những việc làm thường ngày ấy, anh Bắc luôn nhắc tới tâm huyết của lãnh đạo Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò và sự chu đáo, nhiệt tình của bộ phận phục vụ. Anh tâm sự: “Để làm tốt công tác phục vụ, hàng năm, Ban Quản lý Di tích đều mời giảng viên các trường Đại học có uy tín tới tập huấn cho cán bộ, viên chức về kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách tham quan”. Với anh, để có được những việc làm ý nghĩa ấy, là nhờ có công sức của cả tập thể chứ không chỉ của riêng anh…
Lướt qua những bài viết của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò về việc tìm kiếm và liên hệ với du khách để quên đồ, đọng lại là rất nhiều comment ngắn gọn, nhưng đầy xúc tích: “Thật tuyệt vời”!
Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *