Tin tức - Sự kiện

Hà Nội quyết liệt xử lý biển quảng cáo sai phạm

Theo đó, trong đợt 1 Hà Nội sẽ xử lý 155/190 bảng quảng cáo đứng một cột và 149/212 bảng quảng cáo trên dải phân cách sai phạm.

Biển quảng cáo tấm lớn nhiều năm không có khách thuê, bạt rách không chịu tháo dỡ để mất mỹ quan đô thị
Biển quảng cáo tấm lớn nhiều năm không có khách thuê, bạt rách không chịu tháo dỡ để mất mỹ quan đô thị

Quyết định số 01 ngày 20/1/2016 ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Sở VHTT Hà Nội thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn và Sở VHTT đã tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố bước đầu có hiệu quả rõ rệt, hạn chế được nhiều hoạt động quảng cáo vi phạm. Những hoạt động quảng cáo đúng quy định đã góp phần tích cực tạo nên diện mạo thủ đô từng bước Xanh, Sach và Đẹp hơn. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động quảng cáo dưới nhiều dạng khác nhau như là tình trạng của các tuyến quảng cáo vi phạm không thực hiện đúng các thông báo về xã hội hóa biển quảng cáo cả về hình thức lẫn số lượng. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định về việc chăng treo cũng như là thể hiện nội dung trên biển quảng cáo, biển quảng cáo vượt kích thước cho phép, biển của các hộ kinh doanh dọc đường còn tái phạm nhiều.

155 biển quảng cáo bị xử lý lần này không hề có biển nào tuyên truyền chính trị, xã hội như đã cam kết
155 biển quảng cáo bị xử lý lần này không hề có biển nào tuyên truyền chính trị, xã hội như đã cam kết

Thời gian gần đây, trong vi phạm hoạt động quảng cáo tấm lớn, quảng cáo tuyên truyền theo nghị quyết xã hội hóa ở khu vực nội thành cũng phát triển mạnh. Đặc biệt là vi phạm trong hoạt động quảng cáo tấm lớn là một vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến uy tín về quản lý của Thành phố, của ngành và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, rất cần được xử lý sớm một cách triệt để. Một số tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Trên cơ sở đó, Sở VH&TT Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên ngành như Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, CA Thành phố, Thanh tra Thành phố… tổ chức cưỡng chế, giải quyết tận gốc các biển quảng cáo vi phạm và đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, cùng với những biển quảng cáo đứng một cột trụ còn có những biển quảng cáo dạng hộp đèn trên các dải phân cách, các vỉa hè của một số con đường lớn. Đến nay, thống kê lại thì biển quảng cáo một cột trụ có vi phạm trên toàn thành phố với số lượng là 190 biển (tính đến ngày 8/8/2016), biển quảng cáo ở dạng hộp đèn và các biển quảng cáo nhỏ trên dải phân cách, vỉa hè là 212 biển (tính đén ngày 14/7/2016). Trên cơ sở đó, Sở VH&TT đã báo cáo UBND Thành phố, UBND TP đã có những cuộc họp thường trực UB và với các ngành liên quan đến quá trình tổ chức hoạt động cũng như quản lý hoạt động quảng cáo. UBND Thành phố đã có những đề xuất với Thường trực Thành ủy và Thường trực Thành ủy cũng đã có kết luận, cho ý kiến để Thường trực UBND Thành phố chỉ đạo ra quyết định thành lập đoàn Thanh tra liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm có tới 24 biển quảng cáo sai phạm cần phải tháo dỡ
Đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm có tới 24 biển quảng cáo sai phạm cần phải tháo dỡ

Ngày 03/08/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó nêu rõ tình trạng vi phạm quảng cáo tập trung chủ yếu ở 02 loại hình: bảng quảng cáo đứng một cột và bảng quảng cáo trên dải phân cách. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Đoàn Thanh tra liên ngành theo dõi, đôn đốc, phối hợp thực hiện xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo của các quận, huyện, thị xã; Chuẩn bị đày đủ hồ sơ của các bảng quảng cáo vi phạm; tổ chức làm việc với các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp có bảng quảng cáo vi phạm yêu cầu tổ chức tháo dỡ. Rà soát, báo cáo, tham mưu UBND Thành phố tổ chức lực lượng xử lý, cưỡng chế, tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn Thành phố còn tồn tại sau thời gian 01 tháng kể từ ngày Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị “Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố”.
Theo kế hoạch thì từ ngày 3/8-15/8 các doanh nghiệp có biển quảng cáo vi phạm sẽ phải tự động tháo dỡ, sau 15/8-3/9 UBND các quận, huyện, thị xã sẽ vào cuộc. Sau ngày 3/9, các biển quảng cáo có sai phạm mà vẫn chưa được tháo dỡ thì đoàn Thanh tra liên ngành sẽ tổ chức xử lý, cưỡng chế. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở VHTT Hà Nội, Phó trưởng đoàn Thanh tra liên ngành cho biết: “Theo rà soát của Sở VHTT có 190 biển quảng cáo đứng một cột và 212 biển quảng cáo ở dải phân cách vi phạm thuộc 39 doanh nghiệp, nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, trong đó huyện Sóc Sơn có số lượng biển quảng cáo vi phạm nhanh và nhiều nhất (với 68/190 biển quảng cáo đứng một cột). Con số các biển quảng cáo vi phạm lần này được rà soát là tối đa và sẽ tiến hành xử lý triệt để, đảm bảo đúng tiến độ UBND Thành phố đề ra”.
Đường Láng Hạ đang được quy hoạch trồng cây xanh, trên dải phân cách nhỏ có rất nhiều biển quảng cáo không phù hợp, lấn át việc trồng cây. Theo quy định trên dải phân cách có độ rộng dưới 3m là không được phép tồn tại biển quảng cáo, những biển quảng cáo này cần phải tháo dỡ để trả lại diện tích trồng cây xanh. Biển quảng cáo trên dải phân cách hẹp này làm cho người đi đường bị che khuất tầm nhìn dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Những biển quảng cáo trên dải phân cách tuyến đường Láng Hạ và Xã Đàn là những điểm xây dựng không phép và dựng quá số lượng thỏa thuận của Sở Giao thông trước đây. Những biển này đã có kết luận vi phạm phải được tháo dỡ trong đợt 1 tháng 8/2016.

Ngã 4 đường Phạm Hùng, Dương Đinh Nghệ có mật độ giao thông dày đặc, nhưng có tới 3 biển quảng cáo tấm lớn mọc ngay trên đảo phân luồng giao thông
Ngã 4 đường Phạm Hùng, Dương Đinh Nghệ có mật độ giao thông dày đặc, nhưng có tới 3 biển quảng cáo tấm lớn mọc ngay trên đảo phân luồng giao thông

Đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm là nơi có số lượng biển quảng cáo tấm lớn (biển quảng cáo đứng một cột) dày đặc, trong số này có tới 24 biển quảng cáo sai phạm cần phải tháo dỡ. Ngã 4 đường Phạm Hùng, Dương Đinh Nghệ có mật độ giao thông dày đặc, nhưng có tới 3 biển quảng cáo tấm lớn mọc lên, điều đặc biệt hơn là những tấm biển này mọc ngay trên đảo phân luồng giao thông. Trên thảm cỏ xanh, các biển tấm lớn ngang nhiên chiếm diện tích che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng nghiêm trọng giao thông trong khu vực. Các biển quảng cáo tấm lớn dựng trong khu đất dự án thông quan nhưng vươn ra sát mép đường giao thông, UBND quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu tháo dỡ nhưng không được. Ngoài 6 biển cũ nhiều năm không cưỡng chế được, nay lại được dựng thêm 3 biển khác hiện đang quảng cáo. Hai biển quảng cáo tấm lớn dựng trong khuôn viên nhà máy nước quận Cầu Giấy nhiều năm nay không có khách thuê để mất mỹ quan, bạt rách không chịu tháo dỡ.
Đường Võ Chí Công quận Tây Hồ, vừa khánh thành được hơn một năm nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã mọc lên biển quảng cáo tấm lớn dày đặc, không phép. Chỉ trong khoảng 4 km có tới 19 biển quảng cáo tấm lớn được dựng lên, nhiều biển đã có khách hàng và nhiều biển đã dựng lên với số điện thoại sẵn sàng mời khách quảng cáo.
Ngoài ra, 155 biển quảng cáo xin xã hội hóa với mục đích tuyên truyền bị phát hiện lần này không hề có biển nào tuyên truyền chính trị, xã hội như đã cam kết. Không một doanh nghiệp nào tuân thủ xã hội hóa công tác tuyên truyền. toàn bộ những biển trong đề án xã hội hóa tuyên truyền đều đã không làm đúng chức năng của mình.
Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Lĩnh vực quảng cáo hiện nay ở TP Hà Nội đang diễn ra đều có những mặt được và mặt chưa được. Mặc dù vậy, Hà Nội có rất nhiều vấn đề cần phải có thời gian, cần phải có lộ trình thì khâu thực hiện mới đúng bài bản, mới đẹp được. Trong công tác quản lý, giữa nhà quản lý với nhu cầu thường rất khác nhau, nhu cầu rất lớn nhưng công tác quản lý thì chỉ ở mức độ cho phép theo quy hoạch chung của Thành phố. Đợt xử lý lần này là bước đầu, sau đó sẽ tiếp tục rà soát, hoàn tất các hồ sơ và xử lý cho bằng được tất cả những sai phạm. Lần này mới chỉ giải quyết các biển đứng một cột và biển ở các dải phân cách chưa nói đến dải bên hông và các biển quảng cáo khác. Đây là một việc tương đối phức tạp và có những khó khăn nhất định nên việc thực hiện phải có lộ trình”.

Đoàn Thanh tra liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội có mặt trong buổi họp báo
Đoàn Thanh tra liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội có mặt trong buổi họp báo

Ông Động cũng cho biết thêm việc chậm trễ khi ra bản Quy hoạch quảng cáo của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 cũng do nhiều nguyên nhân như khi Luật quảng cáo ra đời thì các văn bản hướng dẫn dưới Luật cũng ra chậm. Nguyên nhân thứ 2 là lĩnh vực quảng cáo bị chi phối bởi rất nhiều các quy định khác nhau như Thông tư 19 của Bộ Xây dựng… Lĩnh vực quảng cáo liên quan đến rất nhiều đối tượng mà quyền lợi tương đối khác biệt nhau như doanh nghiệp thì muốn làm nhiều, làm to nhưng cơ quản quản lý Nhà nước thì lại cần nhìn vào tổng thể, cảnh quan, môi trường phù hợp. Rồi giữa ý kiến của các quận, huyện, các cơ quan liên ngành quản lý cũng có ý kiến khác nhau cho nên trong quá trình triển khai Quy hoạch có chậm, nhưng chậm là để tìm được sự đồng thuận.
Ông Động cũng lấy ví dụ về tuyến Nhật Tân – Nội Bài là tuyến nóng nhất của quảng cáo hiện nay, lúc đầu thì được quy định là cao tốc, nhưng về sau Chính phủ lại quyết định là tuyến nội đô. Mới đầu là quy hoạch quảng cáo với tuyến đường cao tốc, sau khi đổi thành tuyến nội đô, lại phải làm lại cho phù hợp với đường nội đô, toàn bộ biển quảng cáo phải thay đổi lại. Qua đó có thể thấy, diễn biến của thực tiễn phát sinh buộc những người làm quy hoạch phải cập nhật thông tin, điều chỉnh theo thông tin cho nên thời gian phải kéo dài. Nhưng hiện nay, Sở VHTT đã làm xong quy hoạch, cơ quan thẩm định của Thành phố đã thẩm định xong chỉ chờ ý kiến của UBND Thành phố. Nhưng cũng chỉ công bố Quy hoạch khi những quảng cáo sai phạm nêu trên được giải quyết xong và cũng khẳng định là những biển quảng cáo sai phạm trên cũng không nằm trong quy hoạch”. Ông cũng nói thêm về quy hoạch 2015 với hơn 500 biển quảng cáo tấm lớn thì còn 250 vị trí thuộc quy hoạch 2015 chào các doanh nghiệp không vào, và đợt này Sở VHTT cũng điều chỉnh quy hoạch của 2015. Các doanh nghiệp làm đúng sẽ được hưởng lợi từ quy hoạch quảng cáo lần này.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *