Di sản

Hà Nội tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến

Hà Nội là nơi lưu giữ khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước.

Theo kết quả Tổng kiểm kê, đến nay trên địa bàn thành phố có 5.922 di tích, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.264 di tích xếp hạng cấp Thành phố…và có tới 1.972 danh mục di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lớn.

Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã và đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Từng bước huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô tới bạn bè quốc tế như: Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Phố cổ, di tích Nhà tù Hỏa Lò…

Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tổ chức các hoạt động nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa to lớn này – Ảnh: Zing

Hàng nghìn hiện vật và sưu tập hiện vật có giá trị được bảo quản, trưng bày tại các di tích, tại Bảo tàng Hà Nội và các bảo tàng ngoài công lập, trong đó có 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia thuộc nhiều thời kỳ lịch sử, có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, nghệ thuật… đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận qua các đợt. Năm 2017 Hà Nội là địa phương đi đầu khi xây dựng hồ sơ đề cử công nhận bảo vật quốc gia cho 02 hiện vật thuộc sở hữu của tư nhân là: Chum gốm hoa nâu – thời Lý và Thạp đồng – niên đại văn hóa Đông Sơn.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước đã hoàn thành đề án “Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”, lập Danh mục và Bản đồ phân bố cho 1.793 di sản. Năm 2017 tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa di sản Hát Dô ở Liệp Tuyết – Quốc Oai, Hát Chèo Tàu ở Tân Hội – Đan Phượng, đồng thời biên tập, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về Tên đường phố Hà Nội, Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội…

Di sản văn hóa phi vật thể Hát Dô ở Liệp Tuyết – Quốc Oai

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết, trong đợt xét tặng lần thứ nhất năm 2015, Hà Nội có 39 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Năm nay, Sở đã nhận được 139 hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” vào năm 2018 ở các nhóm: Nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội truyền thống… Sở VH&TT đã tập hợp, phân nhóm, xây dựng hồ sơ tóm tắt để báo cáo Hội đồng thẩm định cấp Thành phố, cố gắng để những người đang nắm giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh xứng đáng.

Cũng theo Sở VH&TT, trong tháng cuối năm, Sở sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND Thành phố ban hành “Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2018” và tổ chức tọa đàm với các quận, huyện, thị xã để tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống nhằm từng bước khắc phục những bất cập, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội trong tình hình mới.

Cuốn sách “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội”

Bên cạnh đó, các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội… đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tổ chức các hoạt động nhằm phát huy di sản văn hóa, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, đa dạng hóa các chương trình giáo dục, học tập tại các bảo tàng và di tích góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, gắn kết các hoạt động triển khai Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Chính phủ phê duyệt; Khuyến khích các hoạt động quảng bá du lịch, chương trình tham quan chuyên đề gắn kết với di sản văn hóa…

Ông Trương Minh Tiến – PGĐ Sở VH&TT Hà Nội cho biết: “Trong nhiều năm qua và đặc biệt là những năm gần đây, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Thủ đô đã được Thành phố và Bộ VHTT&DL quan tâm rất nhiều. Năm 2016, TP Hà Nội đã hoàn thành việc tổng kiểm kê di tích trên địa bàn với 5.922 di tích, và tổng kiểm kê lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có tới 1972 danh mục di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị đang được lưu giữ trên địa bàn TP Hà Nội. TP cũng đã ban hành quyết định phân cấp về quản lý di tích trên địa bàn TP dựa trên kết quả tổng kiểm kê, giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho các quận – huyện – thị xã, các xã – phường – thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích trên địa bàn. Đồng thời, TP cũng phân cấp trách nhiệm về việc tu bổ di tích trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; đã được phân cấp thì phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm các nguồn vốn cho việc tu bổ di tích… Trong hoạt động của di tích, các điểm nóng về vi phạm di tích đang có chiều hướng giảm. Tuy vậy không phải là không còn những vi phạm đang diễn ra. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, cho những người trụ trì, cho các cấp chính quyền nhất là chính quyền địa phương về trách nhiệm của mình; đặc biệt là trách nhiệm của những người trông nom trực tiếp các di tích”.

Ông Trương Minh Tiến – PGĐ Sở VH&TT Hà Nội

Ông Tiến cũng cho biết thêm về việc phát huy giá trị các di sản văn hóa của Thủ đô cần gắn liền với du lịch. Hiện nay, rất nhiều các di tích và các di sản văn hóa phi vật thể đã khai thác được tiềm năng du lịch. Để điều đó ngày càng phát triển, ngành du lịch cũng cần có sự phối hợp, các chương trình triển khai cụ thể. Bởi các di tích, các điểm đến tham quan thì rất nhiều và có những giá trị riêng nhưng nếu chúng ta không biết chọn lọc, phân loại, tìm kiếm những điểm tham quan phù hợp với sản phẩm du lịch của mình thì vẫn không thể đem lại hiệu quả cao.

Để kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2017) Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt đồng thời triển lãm 12 bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội. Cụ thể, 4 bảo vật được trưng bày tại triển lãm gồm: trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng trong trống, quả chuông Thanh Mai đúc năm 798, cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của tượng nhân Đặng Huyền Thông, long đình gốm Bát Tràng thế kỷ XVII.

Khai mạc Triển lãm “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội”

8 bảo vật quốc gia tại các di tích lịch sử gồm: 82 bia Tiến sỹ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội; tượng Phật Bà Quan Âm tại di tích chùa Đào Xuyên (Thánh Ân Tự), thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội; bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại di tích chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội; tượng Phật thời Tây Sơn tại di tích chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự), xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội; pho tượng Trấn Vũ tại di tích đền Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình; pho tượng Trấn Vũ tại di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên; tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín và bức giá trượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương tại di tích đình Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Cũng tại Triển lãm còn ra mắt cuốn sách ảnh “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội” giới thiệu về 12 bảo vật. Cuốn sách “Bảo vật quốc gia Thăng long – Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội biên soạn và cho ra mắt đúng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2017 là một ấn phẩm ý nghĩa, góp phần làm rõ những giá trị có ý nghĩa bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội.

Sở VH&TT Hà Nội đã trao giấy chứng nhận cho những người đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội

Tại buổi lễ kỷ niệm, đại diện Sở VH&TT Hà Nội đã trao giấy chứng nhận cho ông Quách Văn Định – người đã tặng cho Bảo tàng Hà Nội cổ vật “đôi mỏ neo” 600 năm tuổi và PGS.TS Nguyễn Thành Nam – Trưởng ban quản lý di tích LSVH Tể tướng Nguyễn Mậu Tài đã hiến tặng tài liệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Thủ đô Hà Nội.

BB

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *