Điện ảnh

Hà Nội trong điện ảnh

​Trong hàng nghìn bộ phim của điện ảnh Việt Nam, Hà Nội là mảng đề tài quan trọng được nhiều nhà làm phim quan tâm, khai thác ở nhiều góc cạnh

05-ha-noi-28210-300.jpg 

Bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông ra đời năm 1959 nhưng tới năm 1974, trong phim Đến hẹn lại lên mới xuất hiện nhân vật và cảnh Hà Nội, cùng với cảnh và nhân vật xứ Kinh Bắc. Phải đến Em bé Hà Nội (1974), cảnh và người Hà thành trở thành chủ đề xuyên suốt một bộ phim. Từ đó đến nay có nhiều bộ phim hay về Hà Nội, được công chúng đón nhận như: Sao tháng Tám, Tiền tuyến gọi, Hà Nội mùa đông năm 1946, Vùng trời, Hà Nội 12 ngày đêm, Hà Nội mùa chim làm tổ… Trước đó, năm 1945-1946 đã có một số bộ phim tài liệu về Hà Nội, như: Hồ Chủ tịch đến thăm Pháp, Phái bộ Phạm Văn Đồng dự hội nghị Fontaineblean… Có thể nói, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển của mảnh đất nghìn năm văn hiến đều được ghi lại, phản ánh tương đối toàn diện trong các tác phẩm điện ảnh. Theo Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Thị Lan, từ năm 1954 đến nay, có gần 500 tác phẩm điện ảnh, bao gồm các thể loại phim thời sự – tài liệu – khoa học, phim truyện, phim hoạt hình… liên quan đến địa danh và con người Hà Nội. Đó là những hình ảnh về những lịch sử của Hà Nội trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, về Hà Nội trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế…

Là một người con của đất kinh kỳ, các tác phẩm của nhà văn, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh phần nhiều nói về con người nơi đây với tính cách “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ông chia sẻ: “Trong kịch bản đầu tay Cách sống của tôi, tôi nói về nỗi day dứt, sự đấu tranh nội tâm của những người Hà Nội khi Tổ quốc kêu gọi mọi người, nhất là tuổi trẻ, vào Lâm Đồng xây dựng khu kinh tế mới. Người Hà Nội trong những khó khăn vẫn thể hiện mình một cách tế nhị và lịch lãm… Còn kịch bản phim Hàng xóm nói về giai đoạn vừa qua chế độ bao cấp, khi giá trị đồng tiền được đẩy lên, xã hội xuất hiện những mưu mô, thủ đoạn. Các nhân vật phải đối diện và gìn giữ những gì tốt đẹp của con người nói chung và sự hào hoa, sâu lắng của người Hà Nội nói riêng…”

Tình yêu đối với Hà Nội không chỉ dành riêng cho con người sinh ra và lớn lên ở đây, mà cho những ai yêu mến, muốn đóng góp cho Thủ đô tốt đẹp hơn. NSND, đạo diễn Hải Ninh tâm sự: “Hà Nội không hấp dẫn tôi về hình sắc, tình cảm con người, lịch sử nghìn năm, mà cho tôi tâm hồn của người nghệ sỹ. Hà Nội nuôi dưỡng tôi thành một nghệ sỹ điện ảnh, tất cả tác phẩm của tôi đều được thai nghén và ra đời ở đây”. Đó là: Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, đặc biệt là Em bé Hà Nội, được đạo diễn coi là “vòng hoa tang kính viếng những người đã hy sinh vì Hà Nội”. Bộ phim gần với phong cách phim tài liệu, vì bối cảnh bị bom B52 tàn phá không thể tạo dựng, phải dùng bối cảnh thật, đan xen yếu tố nghệ thuật, làm xúc động bao thế hệ khán giả.

05-ha-noi-28210-300-a2.jpg 

Với bản chất là nghệ thuật giả định và hư cấu trên phạm vi rộng, việc thể hiện cụ thể “miền đất thiêng” trong phim hoạt hình có phần hạn chế, chủ yếu thể hiện các nhân vật thần thoại hoặc tồn tại trong truyền thuyết. Tuy nhiên, dòng phim này vẫn dành cho Thủ đô khoảng trời nhất định. NSND, đạo diễn Ngô Mạnh Lân kể: trong quá trình là phim Chuyện Ông Gióng, đoàn làm phim đã về làng Phù Đổng, tới làng Cháy, Hà Lỗ, rồi qua Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh, núi Sóc theo vết chân ngựa Gióng, để thu thập tài liệu. Sau đó, phim được làm với hơn 100 con rối, hơn 20 bối cảnh lớn. Trong quá trình thực hiện, cứ “chụp” mỗi hình xong lại phải uốn tay chân con rối nhích lên để tạo nên một động tác. Để có một phút chiếu trên màn ảnh, mọi người phải quay chụp ngót 1.500 lần. Những cảnh quay đông nhân vật, mỗi nhân vật phải có động tác khác nhau, thời gian nắn động tác, chụp càng kéo dài…

Bằng ngôn ngữ riêng, với nhiều góc nhìn, điện ảnh đã góp phần lưu giữ nét đẹp của Hà Nội và người Tràng An, làm sinh động bức tranh về Thủ đô văn hiến, anh hùng; qua đó cũng thể hiện tình cảm đặc biệt của các nghệ sỹ dành cho Hà Nội.

Lê Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *