Triển lãm

Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống – Khi sản phẩm hiện đại mang hồn dân tộc

Tiếp nối dự án sách ‘Họa Sắc Việt’ từ tranh Hàng Trống, triển lãm ‘Họa Sắc Việt – Khi sản phẩm hiện đại mang hồn dân tộc’ là bước tiếp theo trên hành trình của S-River lan tỏa và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt cùng nhau tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc.

Hành trình 6 tháng sau khi ra mắt sách, S-River có duyên may được hợp tác với nhiều doanh nghiệp làm sản phẩm tâm huyết và mong muốn kể những câu chuyện tự hào về sản phẩm bằng những hình ảnh, thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc. “Hoạ Sắc Việt từ tranh Hàng Trống” đã bước ra khỏi trang sách, không chỉ là lý thuyết mà đã trở thành dòng chảy thật trong cuộc sống.

Kết hợp trưng bày giữa tranh dân gian Hàng Trống và những sản phẩm ứng dụng thực tế, triển lãm “Họa sắc Việt – Khi sản phẩm hiện đại mang hồn dân tộc” sẽ mang đến công chúng một không gian lưu giữ những giá trị thuyền thống theo một phương thức hoàn toàn tươi mới, hiện đại và đầy cảm hứng.

Triển lãm mở cửa tự do trong 02 ngày 13-14/10/2018 tại Toong Coworking Space – Số 8 Tràng Thi, Hà Nội. Trong khuôn khổ triển lãm, S-River sẽ tổ chức 01 Talkshow về chủ đề Thiết kế mang phong cách bản địa vào 15h ngày 14/10/2018.

Nhóm thiết kế của S-River sử dụng những họa tiết trong bức “Canh nông vi bản” của tranh Hàng Trống để đưa lên bao bì của sản phẩm. Những họa tiết và màu sắc tươi vui của một vụ mùa rộn ràng: người nông dân, con trâu, cái cày, gánh lúa… góp phần giới thiệu những giá trị đời sống và giá trị văn hóa thuần Việt đến bạn bè quốc tế
Họa tiết xoáy là họa tiết rất cổ trong trang trí dân gian Việt Nam, biểu hiện cho một đơn vị âm hoặc dương. Trong trang trí, các họa tiết xoáy thường được đặt đối xứng tuyệt đối hoặc đối xứng liên hoàn, thể hiện triết lý âm dương của người Việt xưa: Vũ trụ được tạo nên từ những thực thể đối lập: đất và trời, cha và mẹ, nam và nữ, ngày và đêm, tối và sáng,… liên tục vận động và chuyển hóa cho nhau.
Ứng dụng họa tiết xoáy với triết lý âm dương trên bao bì của các loại bánh truyền thống của Việt Nam: bánh phu thê, bánh trung thu… để thể hiện những ước nguyện tốt đẹp về sự sinh sôi, hòa hợp và vẹn toàn.
Bao bì của sản phẩm được sử dụng họa tiết nụ hoa trong bức “Tùng Lộc” trong bộ Tứ Bình “Tùng – Cúc – Trúc – Mai” (tranh Tết) kết hợp với họa tiết mây và búp lá non trong bức “Hương chủ” (tranh thờ) của tranh Hàng Trống. Những họa tiết được lấy cảm hứng từ mùa xuân với hoa lá đâm chồi nảy lộc để tạo nên một màu sắc, diện mạo mới mẻ cho hộp mứt Tết truyền thống.

Bích Hà

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *