Di sản

Hoàn Kiếm Bảo tồn các di sản văn hóa và mở rộng hợp tác quốc tế

Hoàn Kiếm là quận ở vị trí trung tâm Thủ đô, nơi hội tụ và kết tinh những tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, nơi có mật độ di tích dày đặc (190 di tích). Các di tích trên địa bàn quận mang giá trị đặc trưng, […]

Hoàn Kiếm là quận ở vị trí trung tâm Thủ đô, nơi hội tụ và kết tinh những tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, nơi có mật độ di tích dày đặc (190 di tích). Các di tích trên địa bàn quận mang giá trị đặc trưng, tiêu biểu, đa dạng và phong phú. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn luôn được quận xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Trên địa bàn quận, đáng chú ý nhất là quần thể di tích đền Ngọc Sơn và Hồ Hoàn Kiếm được công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, khu Phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, khu phố cũ đã trở thành cụm di sản đô thị đặc trưng, là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, nơi đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc, nét đẹp truyền thống của người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

            Du khách quốc tế tham quan căn nhà cổ 87 phố Mã Mây

Nhận thức sâu sắc giá trị các di tích trên địa bàn, những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sự tham gia tích cực của MTTQ, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân trong bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Đầu tiên, phải kể đến công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục được quận chú trọng triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp đặc biệt là các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống được quan tâm bảo tồn theo Đề án “”Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tiêu biểu như: Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội Vua Lê đăng quang, Lễ hội Trung thu phố cổ, Lễ hội nghề Kim hoàn…được quan tâm khôi phục, nâng cấp về quy mô nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, quận thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân tộc như hát xẩm, ca trù, hát chầu văn vào các buổi tối cuối tuần tại các điểm di tích trong Khu Phố cổ và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; tổ chức giao lưu văn hóa, trình diễn nghệ thuật, giới thiệu tranh ảnh, trang phục Hà Nôi, nghề thủ công truyền thống tại các điểm di sản như: Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), trung tâm thông tin phố cổ (28 Hàng Buồm), Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ)…thu hút sự tham gia đông đảo nhân dân và khách du lịch.

Cùng với đó, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa được quan tâm đầu tư. Quận đã thực hiện giải phóng mặt bằng di chuyển 134 hộ dân, 06 cơ quan đơn vị trả lại cảnh quan cho 26 di tích; tu bổ, tôn tạo 23 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng với tổng kinh phí hơn 309 tỷ đồng; thiết lập 20 hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích có giá trị trên địa bàn. Đồng thời, các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được tăng cường mở rộng và có hiệu quả.

Nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của quận, mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tập trung bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận đã đặt mục tiêu, đến năm 2020, phấn đấu hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di chuyển hộ dân ở trong 11 di tích có giá trị trên địa bàn quận chưa được giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể 10 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị nằm trong khu phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trên địa bàn quận theo lộ trình cụ thể. Ngoài ra, phấn đấu trung bình mỗi năm lập hồ sơ khoa học phục vụ công tác quản lý từ 3 đến 5 di tích; đề nghị xếp hạng 2 di tích có đủ điều kiện.

Đình Kim Ngân ngày khai hội

Để đạt được mục tiêu trên, quận sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá giới thiệu các di sản văn hóa trên địa bàn quận, trong đó, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thông tin tuyên truyền, giáo dục và làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận. Phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, chú trọng công tác quảng bá hình ảnh và giới thiệu về giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của các di sản văn hóa trên địa bàn quận, tiêu biểu như: di tích quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn – hồ Hoàn Kiếm, di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Khu phố cổ Hà Nội. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm di tích, các lễ hội truyền thống và hoàn thiện hệ thống dữ liệu ảnh 360o giới thiệu nội dung, hình ảnh các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến trên Cổng thông tin điện tử của quận.

Chú trọng công tác bảo tồn, đầu tư tu bổ tôn tạo các di sản văn hóa, cụ thể, xây dựng và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, cơ quan, đơn vị, trường học ra khỏi khuôn viên các di tích; tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa theo lộ trình trên địa bàn quận. Song song với đó, tập trung làm tốt công tác đối ngoại, đẩy mạnh công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật với các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng và triển khai các dự án về bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hoàng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *