Di sản

Hội thảo khoa học “Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu – Quốc Tử Giám”

Sáng 30/11, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học

Sáng 30/11, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang cũng như về các vị đại khoa của tỉnh nhà đã được ghi danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội và đã nhận được hơn 20 bài tham luận của các tác giả là các nhà nghiên cứu, các cán bộ lãnh đạo, quản lý… Nội dung các tham luận đã phân tích khá rõ về truyền thống khoa bảng của Bắc Giang, về các danh nhân khoa bảng được ghi danh tại bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các đại biểu cùng các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo

Tỉnh Bắc Giang trong lịch sử vốn là miền đất của Châu Lạng, sau thuộc đất Kinh Bắc, một trong những miền đất thuộc “tứ trấn” của Thăng Long (Hà Nội) xưa. Với điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi được thiên nhiên ban tặng nhiều dãy núi cao, nhiều sông ngòi bao quanh, phong cảnh đẹp của một vùng thượng du, Bắc Giang đã khiến cho những linh khí của đất trời hội tụ vào đây để có nhiều dấu tích thiêng. Chính vì thế, ngay từ rất sớm, con người Bắc Giang đã sẵn có truyền thống lao động, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống văn hóa và đặc biệt là truyền thống hiếu học khoa cử nổi danh khắp cả nước.

TS Khổng Đức Thiêm với bài tham luận “Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long với các nhà khoa bảng tỉnh bắc Giang”.

Nhắc đến truyền thống khoa cử Bắc Giang là người ta nhắc đến Tiến sĩ Thân Nhân Trung – người đã có câu văn nổi tiếng khắc trên văn bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp…”.
Tư tưởng trên của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà nó còn mang ý nghĩa phổ biến và vẫn được coi trọng xuyên suốt chiều dài lịch sử đối với mọi quốc gia, dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.
Vùng đất Bắc Giang đã có 58 vị đỗ đại khoa, đạt học vị Tiến sĩ thời phong kiến được khắc tên ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Văn Miếu Bắc Ninh và các văn chỉ làng xã.

TS Đặng Kim Ngọc – Nguyễn GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám với tham luận “Vai trò của danh nhân khoa bảng Bắc Giang đối với sự nghiệp giáo dục và khoa cử Nho học ở Việt Nam”

Với mong muốn tôn vinh những đóng góp của các danh nhân khoa bảng của tỉnh Bắc Giang được ghi danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Bảo tàng tỉnh bắc Giang phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Đây là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cung cấp thêm nguồn thông tin sử liệu về thân thế, sự nghiệp của các vị đại khoa của Bắc Giang đã ghi dấu trên những tấm bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hội thảo cũng nhằm làm rõ những công tích, đóng góp của các vị đại khoa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trên các lĩnh vực: văn hóa, chính trị, ngoại giao, quân sự. Đồng thời đề xuất những phương cách, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến công tích của các danh nhân khoa bảng tỉnh Bắc Giang.

VV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *