Di sản

Huyện Quốc Oai: Quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy

Trong những năm tới, huyện Quốc Oai sẽ triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy & khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, tiến hành tôn tạo các hạng mục nhằm gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa khu di tích cũng […]

Trong những năm tới, huyện Quốc Oai sẽ triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy & khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, tiến hành tôn tạo các hạng mục nhằm gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa khu di tích cũng như phục vụ cho việc khai thác du lịch tâm linh.

Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về ”Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016 – 2020 và nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quốc Oai lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020 về phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, huyện Quốc Oai tiến hành quy hoạch tổng thể khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và đổi mới trong quản lý, tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn giá trị văn hóa tâm linh và các nghi lễ, trò chơi dân gian của người dân Quốc Oai.

Chùa Thầy là quần thể di tích mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật  chạm khắc độc đáo và hệ thống tượng pháp lâu đời. Chùa Thầy được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962 và đến năm 2014 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, nơi đây thu hút hàng vạn du khách tìm đến để dâng hương khấn Phật, tham quan vãn cảnh chùa, vừa để khám phá vẻ đẹp huyền ảo của các hang động. Thời gian qua, nhiều hạng mục trong quần thể di tích có dấu hiệu xuống cấp, cần được tiến hành tôn tạo.

 

Chùa Thầy mang những giá trị văn hóa tâm linh cần được bảo tồn và phát huy

(Ảnh: Phùng Anh Tuấn)

Quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là hoạt động cấp thiết. Cụ thể, huyện sẽ tổ chức di dời 47 hộ dân sống quanh hồ Long Trì dưới chân núi Thầy đến khu tái định cư mới để đảm bảo các vành đai bảo vệ theo quy định cho khu di tích không có dân cư xen lấn; Tổ chức riêng biệt phần lễ với nhiều nghi thức đặc sắc của trường phái Mật Tông ở khu trung tâm, đưa phần hội và các dịch vụ ra ngoài di tích, đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn hạ tầng và không gian linh thiêng, huyền bí của di tích; Mở đường dẫn từ vành đai du lịch về chùa Long Đẩu, đưa bãi đỗ xe và khu dịch vụ tách ra ngoài khu trung tâm của di tích.. . Từ đó góp phần gìn giữ tốt nhất nghệ thuật kiến trúc, cũng như đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo các công trình cốt lõi của di tích tuân thủ theo đúng quy định của Luật di sản. Tổng diện tích được quy hoạch là 100ha bao gồm các hạng mục đình, chùa, quán, miếu, quần thể núi đá vôi và hạ tầng dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, tín ngưỡng tâm linh và giải trí của di tích Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách.

Trình diễn múa lân trong lễ hội truyền thống (Ảnh: Internet)

Trong thời gian tới, huyện Quốc Oai cũng đã đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể để nâng tầm Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy nhằm phát huy được giá trị quần thể di tích: Chuẩn hóa các tài liệu in ấn, các hình thức giới thiệu, quảng bá;  Chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên;  Có chương trình xúc tiến quảng bá giới thiệu Chùa Thầy, phát huy thương hiệu những sản phẩm du lịch như; Phát triển các sản phẩm văn hóa tinh thần như tuồng, chèo, võ, vật, hát dô, múa rối và các trò chơi dân gian. UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện xây dựng Đề án “Phát huy quần thể Di tích Quốc gia Chùa Thầy giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo”.

Đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội, UBND huyện đã thành lập Ban quản lý di tích, quản lý đối với các hoạt động thu vé, lập lại trật tự bán hàng, thuyết minh hướng dẫn, các công việc phụ trợ lễ hội nhằm tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý di tích, du lịch. Đồng thời, ngăn chặn triệt để tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch; xử lý dứt điểm mái che, mái vảy mất mỹ quan; đặt biển chỉ dẫn rõ các điểm tham quan của di tích; loại bỏ các bát hương đặt không đúng với vị trí trên núi và các cửa hang, cửa động không phù hợp với nghi thức tâm linh; đảm bảo công tác vệ sinh tại khu di tích, tạo cảnh quan luôn sáng- xanh-sạch- đẹp.

Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *