Di sản – Bảo tồn

Nghê – “gã linh vật” thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt

Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, Nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt”.

TS Trần Hậu Yên Thế đã khẳng định: “Nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công không thích lớn nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt”.
Cuốn sách Phác họa Nghê- gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long được Nhà xuất bản Thế Giới phát hành. Nhân dịp phát hành, trong khuôn viên tòa nhà Bái Đường, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà xuất bản Thế Giới cùng Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu ra mắt sách Phác họa Nghê- gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê).
Đây là công trình nghiên cứu của TS Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự được bắt đầu từ 10 năm trước. Và cuốn sách đước ra mắt đúng dịp sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Theo TS Trần Hậu Yên Thế: Nghê đích thực là gã linh vật chầu rìa độc đáo nhất trong nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Dù chỉ là phác họa ban đầu, khuôn mặt nghê hiện ra lúc thì trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai. Cung cách bông lơn, bộ dạng dung tục đến hồn nhiên vẻ như bất chấp mọi lễ giáo và khuôn phép của những gã nghê được đục đẽo, tô đắp một cách hả hê, làm náo nức các mảng chạm, bất kể đó là ở đình, ở chùa hay lăng tẩm, đền miếu. Hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ nộ ái ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc teo miệng cười.
Nghê tỏ ra biết thân biết phận (làm phượng thì múa làm nghê thì chầu) nên im lặng ngồi chầu, mặc mưa nắng, kệ gió sương. Nghê cứ ngồi như thế, cung kính, an nhiên và an phận, lẫn vào cỏ cây, vào sương khói…

Theo TS Trần Hậu Yên Thế:

Nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công không thích lớn nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt. Tuy vậy, Nghê Việt đang dần mai một chăng, đang dần bị quên lãng chăng.
Nghê đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên quên họ trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài. Song, dù thế nào chăng nữa, cũng như những vai hề chèo, diễn viên phụ xuất sắc, nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt.
Trong lời Giới thiệu sách, TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định: “Cuốn sách Phác họa nghê – gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế bước đầu trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của một linh vật rất thân quen trong văn hóa Việt. Ngoài hệ thống đồ án linh vật nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê, trong phần Phụ lục, tác giả còn tập hợp công phu các hình ảnh nghê trong mỹ thuật truyền thống, gắn với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Đây là cuốn sách có giá trị, có nội dung hữu ích đối với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, cũng như giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay”.

Đông Hoàng

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *