Văn hóa

Nghề kim hoàn làng Định Công

Nghề kim hoàn làng Định Công là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay.

“Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long xưa. Nghề kim hoàn làng Định Công là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay.
Làng Định Công nằm bên bờ sông Tô Lịch, nay thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai. Theo sử sách ghi lại, làng nghề Định Công nổi tiếng với nghề chạm khắc vàng, bạc. Vào thời vua Lý Nam Đế, có ba anh em họ Trần là Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điển sinh sống tại làng. Trong thời gian chạy loạn, ba anh em tình cờ học được nghề làm đồ vàng, bạc. Từ đó, ba ông truyền dạy nghề cho dân trong làng, làm nên tiếng tăm cho sản phẩm vàng, bạc Định Công.


Người thợ “thổi hồn” cho sản phẩm

So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), thì những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Nó được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu. Trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết lên mặt trang sức, vàng, bạc. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức. Mỗi một sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng.
Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình làm nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tiền công làm ra chẳng đáng kể so với các ngành nghề khác nên nhiều gia đình gác nghề đậu bạc lại để chuyển đổi sang công việc dễ thở hơn. Đi dọc phố Định Công, những xưởng đậu bạc ngày xưa, nay đã không còn, thay vào đó là những hàng quán, cửa hiệu khang trang mọc san sát nhau. Tại cái nôi nghề kim hoàn đã không còn mấy ai theo nghề truyền thống. Bằng tình yêu, niềm đam mê nghề cổ của cha ông, có 2 gia đình nghệ nhân ở phường Định Công là Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu vẫn quyết tâm “giữ lửa” để nghề không bị thất truyền. Nghệ nhân Quách Văn Trường nay tuổi đã cao, con trai út nghệ nhân là Quách Phan Tuấn Tú đang thay ông “nối nghề”. Xưởng đậu bạc của gia đình nghệ nhân rộng hơn 30m2, nằm bên cạnh đền thờ tổ nghề kim hoàn trên phố Bùi Xương Trạch. Hàng ngày, xưởng có khoảng 6 người thợ miệt mài làm việc tạo ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo phục vụ nhu cầu khách hàng.


Những sản phẩm đậu bạc vô cùng tinh xảo

Còn gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu có 5 đời làm nghề đậu bạc. Ông bắt đầu học nghề từ năm 5 tuổi, đến năm 15 tuổi đã là thợ cả trong gia đình. Theo ông, để làm các sản phẩm đậu bạc, đầu tiên phải sử dụng bạc nguyên chất (bạc 999 – hay còn gọi là bạc 10) nấu chảy sau đó đổ vào khuôn để tạo thành một thỏi bạc nhỏ, dài. Công đoạn tiếp theo là kéo thỏi bạc nhỏ đó ra thành một sợi bạc nhỏ và dài hơn. Trước đây, công đoạn này rất khó nhọc do phải làm bằng tay toàn bộ. Nhưng bây giờ công đoạn này được chia thành 2 giai đoạn nhỏ với sự hỗ trợ của máy móc một phần. Trước khi kéo phải dùng búa để tán qua thỏi bạc để tránh bị “gai” sợi khi kéo. Kế đó, nghệ nhân kéo thành những sợi mảnh như sợi chỉ. Để làm được việc này, những người thợ phải dùng một bản thước kéo với những lỗ nhỏ tương ứng theo từng tiết diện từ dày đến mỏng. Những sợi bạc được đập mảnh dẹt một đầu rồi suôn vào từng lỗ nhỏ, người thợ sẽ kéo lần lượt sợi dây bạc ấy qua từng lỗ cho đến khi đạt được độ mảnh nhất. Khi đã đạt độ mảnh cần thiết, hai sợi bạc này sẽ được se lại với nhau như dây thừng và lại đưa vào máy quay ép một lần nữa để 2 ép sợi xoắn này dẹt đi. Từ những sợi bạc mảnh, người thợ sẽ làm thành những chi tiết nhỏ, ghép lại với nhau đã tạo thành sản phẩm. Nếu như trước đây, sản phẩm đậu bạc chỉ là những chiếc nhẫn, những đôi khuyên nhỏ, thì nay các nghệ nhân đã kết hợp những yếu tố truyền thống và hiện đại để thổi hồn cho các sản phẩm của mình. Có những sản phẩm như tranh đậu bạc phải mất trên một tháng mới hoàn thành.
Được nhìn ngắm những sản phẩm đậu bạc tinh xảo mới thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam nói chung và làng nghề Định Công nói riêng.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *