Văn hoá đời sống

Nghề vót vòng, nan nón ở Đôn Thư

Nhắc đến nón, nghề làm nón, người ta hay nhắc đến làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Nhưng, để có được chiếc nón nên duyên, nên dáng, biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam phải kể đến công sức của những người vót vòng, nan nón Đôn Thư (xã Kim Thư).

Nhắc đến nón, nghề làm nón, người ta hay nhắc đến làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Nhưng, để có được chiếc nón nên duyên, nên dáng, biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam phải kể đến công sức của những người vót vòng, nan nón Đôn Thư (xã Kim Thư). Câu thành ngữ dân gian: “Thứ nhất làm quan, thứ nhì nan nón” được truyền tụng nhằm ví von nghề vòng nón ở Đôn Thư cũng quan trọng, chẳng kém cạnh nghề làm quan là bao.


Nghề vót vòng, nan nón ở Đôn Thư tồn tại hàng trăm năm nay.

Không rõ nghề vót vòng, nan nón Đôn Thư có tự bao giờ và ông tổ nghề là ai, chỉ biết rằng nghề này gắn với đất Đôn Thư như một thứ duyên trời định, tồn tại hàng trăm năm nay. Thực ra, làng Tràng Xuân cách Đôn Thư không xa cũng làm được vòng nón, nhưng người ta vẫn cứ thích vòng Đôn Thư. Ngoài làng Chuông, thì các nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên sang, Thái Bình, Hải Phòng…, đều tìm đến mua vòng Đôn Thư. Đã từng thấy, người ta vận chuyển vòng bằng đủ các loại phương tiện. Thật ngộ ngộ, vui vui khi buổi sáng sớm, bạn nhìn thấy các bà, các chị lồng vòng cái vào hai tay kín đến tận vai mang đi bán. Hay buổi chiều, những chiếc xe tải nhỏ, xếp ngất ngưởng cả vòng cái, vòng con từ Đôn Thư xuôi ngược mọi miền. Nhất là phiên chợ Chuông, đến khu vực bán vòng thì thật cơ man là vòng. Vòng nón đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của làng nghề Đôn Thư.

Vòng dùng làm nón có 2 loại: Vòng cái là chiếc vòng to nhất thường làm bằng tre, dùng để cạp nón; vòng con là những chiếc vòng còn lại, làm bằng nứa. Có loại phải vót “tròn hơn cả tròn, nhẵn trên cả nhẵn” (gọi là vòng tròn), có loại chỉ cần chẻ (gọi là vòng chẻ), người làm nón tự chuốt qua chuốt lại cho khỏi sắc cạnh là được. Thêm sợi vòng nức (dùng để cạp nón cùng với vòng cái) thường được chẻ bằng bụng nứa, dài nhưng chỉ nhỏ như cái tăm. Riêng chiếc vòng ở chóp nón làm bằng dây nhôm nhỏ, màu vàng, tạo cho chiếc nón một điểm nhấn về màu sắc, hài hòa với màu trắng của lá, màu đỏ, màu xanh của nhôi, có khi cả chữ viết theo kiểu thư pháp, vẽ hoa lá, chim muông… làm tăng thêm sự hấp dẫn của thứ hàng thủ công mĩ nghệ, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Những chiếc vòng này, độ to nhỏ phải thật vừa khít với các nấc khắc trên khuôn nón. Người làm nón khéo, phải biết chọn vòng đẹp, giữa vòng cái và vòng con có sự đồng bộ, hài hòa thì chiếc nón mới phẳng phiu, xinh xắn.


Để làm nên chiếc nón xinh xắn có đóng góp của nghề vót vòng, nan nón Đôn Thư.

Ở Đôn Thư sự phân công lao động thể hiện khá rõ. Bạn chỉ cần hỏi đến vòng cái, vòng con, ai cũng có thể nói vanh vách: Vòng cái đến xóm 7, 8, 9; vòng con vào xóm 2, 3; xóm 1, 4, 5, 6, 10 làm nghề nón. Thời xưa đã thế, mà thời nay vẫn vậy. Ngồi từ 8 đến 12 tiếng, vậy mà thu nhập trung bình của người làm vòng chỉ khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Vì phải ngồi nhiều nên họ thường hay mắc bệnh liên quan đến cột sống. Thế nhưng, những người theo nghề chưa bao giờ muốn giải nghệ. Họ vẫn mê nghề đến mức ăn với vòng, ngủ với vòng. Bà Vũ Thị Dậu (xóm 2), Bùi Thị Lạng (xóm 7), Nguyễn Thị Nhàn (xóm 1)…ngoài 60 vẫn say mê với nghề vòng nón. Bà Phạm Thị Bách (xóm 2) năm nay đã 74 tuổi, cái tuổi cần nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, nhưng vì trót bén duyên với nghiệp làm vòng của ông cha nên bà vẫn miệt mài làm vòng rồi dậy từ 4h sáng để mang vòng, nan nón ra chợ Chuông bán. Bà được cái đẹp lão, uốn vòng thiện nghệ nên khách đến chợ Chuông rất thích xem bà thao diễn nghề. Ông Lê Văn Lược (xóm 3) theo mẹ học nghề từ khi 6 tuổi, đến nay, ông đã theo nghề được hơn 40 năm. Hiện nay, vợ chồng ông là chủ một trong những cơ sở chuyên cung cấp vòng, nan nón cho các tỉnh, thành phía Bắc. Ông còn tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương…

Với người làng Đôn Thư, nghề vót vòng, nan nón không chỉ là nghề kiếm cơm, bao năm qua nó còn là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình, làng xóm. Hiếm thấy ai ngồi làm nghề một mình, họ thường ngồi thành một nhóm 5-6 người. Người ta đến chơi, nhiều khi mang theo cả công việc, vừa làm vừa trò chuyện, hỏi han nhau, thậm chí có những người hàng xóm, mang việc sang nhà nhau, vừa làm vừa xem ti vi, bình luận, tán chuyện cứ râm ran cả lên. Những lúc cao hứng, bà con còn trổ tài hát hò, thách đố, thi tài làm nhanh, làm khéo với nhau vui vẻ, hữu ích.

Nghề vòng, nan nón đã giúp dân làng Đôn Thư vượt lên được cái đói, cái nghèo khi đất nước còn khó khăn. Và hôm nay, đời sống người dân Đôn Thư dần khấm khá. Nhưng, cùng với sự vắng bóng của những chiếc nón lá trong cuộc sống thường nhật, sự lên ngôi của các loại mũ tân thời, giống như các làng nghề làm nón, nghề vót vòng, nan nón Đôn Thư cũng đang mai một dần. Họ vẫn luôn trăn trở giữ “nghề quý” và một tình yêu thắm thiết với quê hương.

Hương Giang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *