Các loại hình khác

NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐAM MÊ CHÈO

Bước vào làng chèo chuyên nghiệp chỉ với niềm đam mê, chút năng khiếu bẩm sinh và tinh thần ham học hỏi, nhưng những gì mà nghệ sĩ Văn Vẻ (sinh năm 1937, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) đạt được trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình thật đáng trân trọng: Giải […]

Bước vào làng chèo chuyên nghiệp chỉ với niềm đam mê, chút năng khiếu bẩm sinh và tinh thần ham học hỏi, nhưng những gì mà nghệ sĩ Văn Vẻ (sinh năm 1937, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) đạt được trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình thật đáng trân trọng: Giải A Giọng hát hay sân khấu toàn quốc (1981); Bằng khen Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1988); Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (1990); Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa thông tin (2004) cùng nhiều giải thưởng: Tác giả kịch bản xuất sắc, đạo diễn xuất sắc…Giờ đây, đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tâm hồn người nghệ sĩ ấy vẫn đam mê nghệ thuật chèo như thuở nào.

1

Nghệ sĩ Văn Vẻ

  Văn Vẻ xuất thân trong một gia đình “đậm” chất chèo (ông là đời thứ 4 của gia đình cụ “trùm” Cang – phường chèo Bách Kim). Mới 8 tuổi, cậu bé Văn Vẻ đã lũn cũn theo cha đến các chiếu chèo sân đình xem biểu diễn…Trong tâm hồn thơ ngây của cậu bé Văn Vẻ đã vang âm những làn điệu chèo sâu lắng, tiếng trống chèo rộn rã của các nghệ sĩ làng quê. Thấy con yêu thích nghệ thuật chèo, cụ Cang đã dạy con tập hát, dạy đánh trống chèo và cho diễn thử một số vai vặt trong các vở chèo: Quan Âm Thị Kính, Tôn Trọng Tôn Mạ, Cần Tử Lệ…không ngờ Văn Vẻ đóng rất đạt, hát rất hay. Hồi đó, rất nhiều đoàn chèo về các địa phương để tuyển diễn viên, trong đó có Đoàn chèo Cổ Phong (Sơn Tây), thế rồi Văn Vẻ được nằm trong ‘tầm ngắm” của Hội đồng nghệ thuật. Họ mời Văn Vẻ hát để nghe chất giọng và diễn để kiểm tra năng khiếu, kết quả anh được đánh giá cao. Thế rồi Văn Vẻ chính thức bước vào làng chèo chuyên nghiệp từ năm 1959 (khi ông 22 tuổi), tại Đoàn chèo Cổ Phong.

          Vào những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Đoàn chèo phải đi tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ, Văn Vẻ luôn là mũi xung kích trên các mặt trận: Cầu Giẽ, Suối Hai, trận địa tên lửa Phùng. Năm 1971, Văn Vẻ xung phong đi diễn ở chiến trường Nam Lào. Tại đây ông vừa biểu diễn, vừa chỉ huy và làm xiếc ảo thuật phục vụ các chiến sĩ, thậm chí biểu diễn ngay tại bếp Hoàng Cầm phục vụ các “anh nuôi”, tới tận giường bệnh của các thương binh để hát. Ngoài thời gian biểu diễn, ông cùng các đồng nghiệp đi tham quan thực địa để nắm tình hình, thu thập tài liệu tập trung viết vở, sáng tác bài hát nhằm phục vụ kịp thời, truyền cảm hứng cho các anh em binh trạm. Vất vả là vậy nhưng lòng yêu nghề đã giúp ông và mọi người quên đi nhọc nhằn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

          Hòa bình lặp lại, Văn Vẻ tiếp tục trở về Đoàn chèo Hà Tây công tác, tài năng diễn xuất và khả năng hát chèo của ông ngày càng được khẳng định qua những lần tham gia Liên hoan, Hội diễn ở Trung ương. Năm 1981, lần đầu tiên Cục nghệ thuật biểu diễn tổ chức thi Tiếng hát hay sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Văn Vẻ đóng vai Chánh Hạp trong vở “Phía sau tượng Chúa” dựa theo tác phẩm văn học Bão Biển của Chu Văn, khán giả ngỡ ngàng trước tài hát Đuy ô của ông (2 người hát ở hai bè khác nhau, thể hiện 2 lời ca, giai điệu khác nhau) với nghệ sĩ Phương Toàn trong vai Nhân… Những vai diễn của ông đã để lại trong lòng khán giả ấn tượng sâu sắc, nhưng ấn tượng hơn cả phải kể đến vai diễn hề chèo, điển hình như vai Cấn Văn Bửu trong vở “Quê hương có thật” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm (1988), vai Cả Sứt trong vở “Vân dại”, có khi lại là vai phản diện như Phú Ông trong vở “Quan Âm Thị Kính” tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm (1990)…

2

Nghệ sĩ Văn Vẻ đảm nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho Câu lạc bộ Trống hội đền Hai Bà Trưng

           Văn Vẻ không chỉ say hát chèo, diễn chèo mà còn say cả đánh trống chèo. Ngoài đánh trống chèo, ông còn biết đánh trống cho hát tuồng, chầu văn, đánh trống thượng đường và trống cúng. Nay, đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn là cộng tác viên “ruột” của Nhà Văn hóa huyện Thạch Thất, đảm nhiệm việc dạy hát chèo, dàn dựng các tiết mục, đạo diễn chương trình cho Đội văn nghệ của huyện. Ông cũng thường xuyên được các đơn vị quân đội như Tiểu đoàn 93 Công binh anh hùng, Đơn vị 371 Tên lửa mặt đất (đóng tại Hòa Lạc), Đội chèo xã Canh Nậu, Đội văn nghệ Phú Ổ (xã Bình Phú), Câu lạc bộ Trống hội đền Hai Bà Trưng (huyện Phúc Thọ)…mời hướng dẫn chuyên môn, đi thi giành nhiều giải cao.

“Sinh ư nghệ, tử ư nghệ” suốt mấy chục năm gắn bó với chèo, ông đã có “lưng vốn” hàng trăm vai diễn, đạo diễn, tác giả kịch bản của các vở chèo; nhuần nhuyễn hàng chục làn điệu chèo, đến hôm nay vẫn say mê, đắm đuối với chèo như thế. Có lẽ, tình yêu nghệ thuật đã giúp ông trở nên “không tuổi” và có một sức khỏe dẻo dai. Năm 2016, Đoàn chèo Cổ Phong gặp mặt kỷ niệm 59 năm thành lập, ông đã biểu diễn 3 bài hát chèo cổ do bố ông sáng tác, chỉ chiếu chèo Thạch Thất mới có đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ các đồng nghiệp.

Hương Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *