Di sản

Phát triển mạng lưới làng nghề xuất khẩu hàng chất lượng cao

​TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của làng nghề Hà Nội giai đoạn 2013 – 2020 để hướng tới việc hình thành và phát triển mạng lưới các làng nghề chuyên sản xuất hàng xuất khẩu với chất lượng cao và chuyên nghiệp.

Theo Đề án, các sản phẩm làng nghề Hà Nội có khả năng xuất khẩu là các nhóm sản phẩm: sơn mài, khảm trai; mây tre đan điêu khắc (chạm, điêu khắc đá, kim loại, gỗ, xương, sừng); thêu, ren; dệt may; gốm, sứ.

Việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thu hút vốn nhàn rỗi, tận dụng thời gian và lực lượng lao động; góp phần tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu và phát triển dịch vụ du lịch; phát huy được nội lực của địa phương và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đánh giá của Đề án cho thấy, Hà Nội rất có tiềm năng trong xuất khẩu các sản phẩm làng nghề từ lực lượng lao động, thị trường, tính cạnh tranh trong khu vực đến các yếu tố truyền thống của các ngành nghề và làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã, đặc biệt có những sản phẩm mang tính riêng biệt đặc thù chỉ có ở Hà Nội như dát vàng bạch Kiêu Kỵ, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, Tò He Xuân La…

Về thị trường, hiện một số thị trường quốc tế đang được mở rộng đối với cá sản phẩm truyền thống của Việt Nam, nhu cầu về thị hiếu hướng vào hàng thủ công mỹ nghệ có nguyên liệu xuất xứ từ thiên nhiên, đặc biệt là với nhóm hàng trang trí nội thất, trang sức và quà tặng.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đạt 0,593 tỷ USD; đến năm 2020 là 0,85 USD. Trong đó, tập trung vào một số nhóm ngành gốm, sứ, mây tre đan, thêu ren, sơn mài, khảm trai…

Giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm làng nghề là đẩy mạnh nguồn nhân lực, đào tạo tay nghề và nâng cao chất lượng lao động; phát triển thị trường công nghệ; xâu dựng vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu; giải pháp về thiết kế mẫu mã sản phẩm; phát triển làng nghề kết hợp du lịch…

Hiện nay, nhiều làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu của Hà Nội đã thu hút trên 70% lao động sản xuất phi nông nghiệp của làng, hạn chế số lao động di dời từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm, đem lại giá trị sản xuất vượt trội so với nông nghiệp, thu nhập từ làm nghề của dân cư có thể chiếm tới 70 – 80% tổng thu nhập. Mỗi cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu tạo việc làm ổn định cho 27 lao động thường xuyên và 8 – 10 lao động thời vụ.

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề chiếm 58,8% số làng của toàn thành phố với 47 nghề trên tổng số 52 nghề trên toàn quốc và được chia làm 16 nhóm cơ bản như: Gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan…

Số làng nghề của thành phố phân bố không đều, đa số tập trung chủ yếu ở các huyện: Phú Xuyên 124 làng, Thường Tín 125 làng, Chương Mỹ 174 làng, Ứng Hòa 113 làng, Thanh Oai 101 làng, Ba Vì 91 làng. Một số huyện có số lượng làng nghề ít như Thanh Trì 24 làng, Gia Lâm 22 làng, Từ Liêm 11 làng…

Ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn đã thu huát được 739.630 người tham gia sản xuất với 175.889 hộ gia đình, 2.063 công ty cổ phần, 164 hợp tác xã, 50 Hội, Hiệp hội… 

Gia Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *