Tin ngành

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội

Mục tiêu phấn đấu của TP Hà Nội mỗi năm tổ chức từ 3.500 đến 4.000 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, mỗi năm tổ chức từ 3.500 đến 4.000 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Các hoạt động giao lưu văn hóa, các sự kiện văn hóa quốc tế lớn tại Thủ đô sẽ được Thành phố đầu tư phát triển trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín trong khu vực, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo quần chúng quan tâm.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, ngành Điện ảnh của Thành phố phấn đấu giai đoạn 2016-2020 sản xuất được từ 3-5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất từ 4-6 phim/năm. Đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu phim, đến năm 2020 có từ 0,8-1,2 lượt/người/năm xem phim.

Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 5 triệu USD, trong đó, đối với nghệ thuật truyền thống phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn từ 15-20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có 3.500-4.000 buổi biểu diễn.

Ngành Du lịch văn hóa chiếm từ 10-15% trong tổng số 5.263 triệu USD doanh thu từ khách du lịch, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng, gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa. Định hướng và từng bước phát triển các ngành kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô tăng nhanh, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô. Ngành điện ảnh, phấn đấu mỗi năm sản xuất 5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất 10 phim/năm. Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 8 triệu USD. Đối với nghệ thuật truyền thống phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn trên 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có trên 4.000 buổi biểu diễn.

Bên cạnh đó, Thành phố cần phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế.

Để đạt được điều đó, Thành phố Hà Nội cần tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Trung ương và thành phố Hà Nội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính; ban hành các chính sách ưu đãi, từng bước cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ văn hóa; tập trung đầu tư phát triển các công trình văn hóa có tác động hiệu quả đến phát triển kinh tế, đặc biệt với ngành văn hóa, du lịch.

Ngoài ra, Thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh việc thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa gắ với các sự kiện ngoại giao; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Hà Nội ở nước ngoài.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *