Di sản – Bảo tồn

Phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến 2030

Ngày 6/8, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4014/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

Thời gian qua, dù chính quyền Thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa nhưng thực trạng khu di tích này đang bị xâm hại đã cho thấy nhiều bất cập trong việc quản lý cũng như nhận thức các giá trị của công chúng.

Nhằm bảo tồn nguyên vẹn tình trạng của di tích đồng thời phát huy được các giá trị của di sản,  Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã lập Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030  và đã được UBND Thành phố phê duyệt vào ngày 06/8 vừa qua.

Khu Di tích Cổ Loa – Ảnh: Thế giới di sản

Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành. Xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp đối với mỗi loại hình. Xác định những nguy cơ làm ảnh hưởng tới các giá trị của Khu di tích và đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để. Bảo vệ Khu di tích hài hòa với nhu cầu phát triển về môi trường, du lịch, đảm bảo điều kiện sống của dân cư trong khu vực di tích. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ di tích gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người dân địa phương, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại tới giá trị di tích. Nâng cao năng lực quản lý di tích; tái hiện, kết nối các câu chuyện lịch sử nhằm thu hút khách tham quan. Từngbước thực hiện hóa Quy hoạch Khu Di tích thành Cổ Loa theo Quyết định số 1004/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa.

Phạm vi kế hoạch được xác định thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nô của huyện Đông Anh với quy mô 860,4ha. Kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2018-2020 dự tính khoảng 60,710 tỷ đồng trong đó nguồn ngân sách thành phố là 60.410 tỷ đồng, nguồn thu phí, lệ phí là 300 triệu đồng.

UBND Thành phố giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là cơ quan đầu mối điều phối chung và giám sát việc triển khai các hoạt động của Kế hoạch đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích; quản lý các dự án đầu tư xây dựng bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo Khu di tích. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, trưng bày tư liệu có liên quan tới Khu di tích. Chủ trì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về Khu di tích; Xây dựng các nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ di tích, quy chế hoạt động tham quan du lịch tại Khu di tích Cổ Loa. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và quản lý mốc giới sau khi được cắm mốc. Kiểm tra, giám sát, tham gia thẩm định các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ di tích, dự án đầu tư kinh doanh – dịch vụ và phát triển kinh tế – xã hội tại Khu di tích theo thẩm quyền được phân cấp. Phát hiện những vi phạm trong quản lý di tích đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp khắc phục hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức quản lý các hiện vật được phát hiện tại Khu di tích và báo cáo UBND thành phố Hà Nội, các ngành chức năng có biện pháp quản lý, bảo quản theo quy định. Phối hợp các ngành liên quan tổ chức thực hiện việc thu – chi các loại phí, lệ phí, dịch vụ, tiền công đức và tham mưu đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thu hút các hoạt động dịch vụ du lịch nhằm phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa.

Tường thành Cổ loa

Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền được giao. Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban quản lý Khu Di tích Cổ Loa và UBND các cấp quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn khu vực di tích. Theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định đảm bảo đúng mục tiêu đề ra. Hướng dẫn trình tự thủ tục lập, phê duyệt các dự án bảo tồn di tích. Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội thẩm định các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Khu di tích Cổ Loa theo thẩm quyền.

Đền An Dương Vương
Đình Cổ Loa

Cổ Loa được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962, đến năm 2012 Cổ Loa mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Sau hai năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn với tỉ lệ 1/2000.

Theo thống kê, trong khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 07 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học.

Di tích Cổ Loa cũng là địa điểm khảo cổ học có giá trị nổi bật, gắn với các giai đoạn văn hóa khảo cổ của người Việt, như văn hóa Sơn Vi, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn, với nhiều di chỉ khảo cổ tiêu biểu: Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, xóm Nhồi, đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực… Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng vạn công cụ lao động, nhạc khí và vũ khí bằng đồng, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thời kỳ An Dương Vương và lịch sử vùng đất này.

Giếng Ngọc

Theo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, hiện Khu di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng, người dân canh tác nông nghiệp cả trên tường thành, nuôi cá dưới hào, những hộ dân ở sát chân Thành cổ thậm chí đã được cấp “Sổ đỏ” do sinh sống nhiều đời trên khu vực này. Một số đoạn trên mặt thành biến thành đường nhựa cho xe cơ giới qua lại…Vòng Thành Nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Nhiều đoạn hào trong Thành Nội cũng bị lấp để xây nhà và làm đường. Bên cạnh đó, hai vòng Thành Trung và Thành Ngoại dù vẫn còn nguyên đường nét nhưng không còn giữ được độ cao như trước (chiều cao gốc của thành từ 7-8m, có nơi lên tới 10m nhưng giờ đây chỉ còn lại 3m trở xuống, có nơi chưa đầy 1m), nhiều đoạn hào được trưng dụng làm diện tích trồng lúa. Di chỉ Đồng Vông trên doi đất bên sông Hoàng Giang vốn có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện các giai đoạn khảo cổ học phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn đều đang trên bờ vực xóa sổ vì các công trình dân sinh.

V.H (t/h)

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *