Tin ngành

Sẽ không có hoạt động thương mại tại Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản

Đó là khẳng định của GĐ Sở VH&TT Hà Nội tại buổi họp báo diễn ra vào sáng 19/3 về Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội tại buổi họp báo diễn ra vào sáng 19/3 về Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội do UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản chủ trì, phối hợp với công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tổ chức. Sự kiện nhằm góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản đến với nhân dân Thủ đô, là dịp trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, kinh tế giữa Thủ đô Hà Nội và Nhật Bản, qua đó tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và đoàn kết giữa nhân dân 2 nước.

Năm nay, Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội đổi mới hơn với nhiều nội dung đặc sắc trong đó điểm nhấn chính là việc trưng bày hoa anh đào. Ảnh minh họa: Internet

Theo kế hoạch, hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26/3. Lễ khai mạc dự kiến diễn ra vào 20h ngày 23/3 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Hà Nội.
Các hoạt động chính tại lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản bao gồm trưng bày cây và hoa anh đào tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (diễn ra từ ngày 23 đến 26/3), với 50 cây hoa và 10.000 cành hoa anh đào cùng một số loài hoa đặc trưng của Việt Nam và Hà Nội.
Bên cạnh việc trưng bày, chiều 23/3 sẽ diễn ra Lễ trao tặng và trồng 200 cây hoa anh đào tại Công viên Hoà Bình. Hoa hậu Hoa anh đào lần thứ 27 của Nhật Bản sẽ đến Việt Nam để tham dự lễ trao tặng này.

Tại lễ hội sẽ có các gian hàng giới thiệu văn hóa Nhật Bản, mặc thử kimono và yukata…

Ông Tô Văn Động – GĐ Sở VH&TT Hà Nội cho biết, so với những lần tổ chức trước, năm nay quy mô tổ chức của lễ hội được nâng lên với quy mô lớn hơn. Ngoài việc trưng bày hoa anh đào, lễ hội còn có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Trong đó, có thể kể đến hoạt động tổ chức giới thiệu văn hóa Nhật Bản diễn ra vào 18h ngày 23 đến 25/3 tại Khu vực nhà Bát Giác vườn hoa Tượng dài Lý Thái Tổ với 16 gian giới thiệu văn hóa Nhật Bản gồm: Trà đạo, cờ vây, cờ tướng, gấp giấy, mặc thử kimono và yukata…; Chương trình nghệ thuật truyền thống Hà Nội tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ với các loại hình như xẩm, ca trù…; trình diễn múa Yosakoi với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm (phố Đinh Tiên Hoàng); Giới thiệu ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam tại Cung thiếu nhi Hà Nội với 21 gian hàng; Tọa đàm trao đổi, hợp tác và xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản; các hoạt động giao lưu về giáo dục, y tế…

Hơn 1.000 sinh viên sẽ tham gia trình diễn múa Yosakoi tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh minh họa: Internet

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội khẳng định, Lễ hội Giao lưu văn hóa Nhật Bản sẽ không mang tính thương mại mà đúng thực chất là một lễ hội văn hóa. Chính vì vậy, để tránh tình trạng tại một số lễ hội hoa anh đào khiến công chúng thất vọng với hoa giả, hoa héo… Sở VH&TT đã tham mưu cho Thành phố chỉ có một lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản này mà có hoạt động trưng bày hoa anh đào.
“Các hoạt động trước, trong và sau lễ hội đều được kiểm soát chặt chẽ và hoa anh đào trưng bày tại lễ hội đều là hoa thật. Bên cạnh đó, sẽ không có hoạt động thương mại tại lễ hội, sẽ chỉ có các hoạt động giới thiệu, quảng bá về ẩm thực, các sản phẩm truyền thống…được kiểm soát một cách chặt chẽ… Hà Nội đang trong quá trình xây dựng các lễ hội mới trở thành thương hiệu, sản phẩm du lịch nổi bật của Thành phố, do đó, trong quá trình tổ chức, Sở cũng sẽ lắng nghe, bổ sung, điều chỉnh để các lễ hội này thực sự trở thành điểm nhấn của du lịch Thủ đô, thu hút được đông đảo người dân và du khách quan tâm” – ông Tô Văn Động khẳng định.

Tô Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *