Sân khấu

Tái hiện lịch sử nghệ thuật hát Xẩm – Từ hè đường đến sân khấu

Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, chiều 18/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) đã diễn ra buổi Tọa đàm và trình diễn nghệ thuật Hát Xẩm với chủ đề “Nghệ thuật hát Xẩm từ hè đường đến sân khấu” do Nhóm Đình làng Việt tổ chức.

Nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm giới thiệu những nét tinh hoa văn hóa truyền thống độc đáo, Chương trình được tổ chức để hướng tới Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Chương trình sẽ giới thiệu những đặc trưng căn bản của Xẩm từ môi trường diễn xướng, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình… nhằm giúp công chúng hiểu và yêu bộ môn nghệ thuật hát Xẩm.

Các nghệ nhân, diễn giả tham gia chương trình giới thiệu với công chúng từng chặng đường phát triển của xẩm.

Từ một hình thức đàn hát dân gian, được những người khiếm thị dùng mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông, đến nay hát Xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, và là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được rất nhiều người yêu thích.

Buổi diễn có sự tham dự của các nghệ sĩ, nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật hát Xẩm như NSND Xuân Hoạch, nghệ nhân dân gian Đào Bá Linh và các nghệ nhân đến từ Hải Dương, Thanh Hóa;…

Bên cạnh những nghệ nhân có tên tuổi còn một số nghệ nhân “ẩn mình” ở các làng quê, chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của Nghệ nhân Nhân dân Hát Xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu).

“Nghệ thuật hát xẩm – Từ hè đường đến sân khấu” có thể xem như một đại hội không chính thức của làng xẩm Việt Nam đương đại khi có sự tham dự của đại diện nhiều hội, nhóm, Câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm như: Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc), Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ,…

Lời ca của xẩm thường mang tính tự sự với những câu chuyện đời có nội dung đa dạng, hội đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố…

Sau một thời gian vắng bóng, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân đang nỗ lực nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của xẩm trong đời sống đương đại. Các nghệ sỹ đã có nhiều nỗ lực cách tân xẩm và đưa loại hình nghệ thuật này vào biểu diễn ở những sân khấu lớn.

Những nghệ sĩ nhỏ tuổi cũng tham gia trong chương trình.

Chương trình “Nghệ thuật hát xẩm – Từ hè đường đến sân khấu” do Chiếu xẩm Hải Phòng, nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Chương trình còn có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc dân gian.

PV

Ảnh: BTC

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *