Các loại hình khác

Thể thao quần chúng Thủ đô: Chắc bề nổi, vững bề sâu

Thể thao quần chúng Hà Nội giờ đây không chỉ được biết đến với hệ thống thi đấu phong phú, có quy mô mà còn bởi nhiều hoạt động mang tính bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng sống cho người dân. Lễ phát động giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng lần […]

Thể thao quần chúng Hà Nội giờ đây không chỉ được biết đến với hệ thống thi đấu phong phú, có quy mô mà còn bởi nhiều hoạt động mang tính bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng sống cho người dân.

1

Lễ phát động giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng lần thứ 43 vì hòa bình

Một trong những hướng đi quan trọng để phát triển thể thao quần chúng chính là việc tạo ra hệ thống giải đấu để kích thích, động viên các đơn vị cơ sở chú trọng vào phong trào luyện tập thể dục-thể thao (TDTT) cho mọi người. Nhờ đó, các quận, huyện có định hướng phát triển vào những môn thể thao nhất định. Hiện tại, mỗi năm Hà Nội có hàng nghìn giải đấu lớn, nhỏ cấp thành phố, quận (huyện)… thu hút cả triệu người tham dự. Những giải đấu lớn của thành phố như: Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng-Vì hòa bình, giải cầu lông các CLB Hà Nội, giải bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội… luôn là điểm nhấn với quy mô và chất lượng giải đấu. Đáng chú ý, những giải đấu trên cũng là những mô hình tiêu biểu về xã hội hóa thể thao các giải đấu của thể thao phong trào Hà Nội.

Hệ thống giải phong phú, đa dạng về số môn dưới sự định hướng của ngành thể thao Hà Nội đã tạo nên không khí rèn luyện và thi đấu thể thao luôn sôi nổi tại Thủ đô trong những năm qua, góp phần tạo nguồn VĐV năng khiếu cho thể thao thành tích cao. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trường học… cũng có ý thức xây dựng phong trào thể thao tại chính cơ sở.

Phát triển thể thao người cao tuổi, phổ cập bơi cho trẻ em cũng như cung cấp dụng cụ tập luyện thể thao cộng đồng cho các địa điểm công cộng tại Hà Nội cũng là hướng đi được thành phố chú trọng.

2

Các đại biểu chạy hưởng ứng Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 43 – Vì hòa bình năm 2016.

Trưởng phòng Thể thao quần chúng (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến khẳng định: Thể thao người cao tuổi thực sự là điểm sáng trong phong trào thể thao quần chúng Hà Nội. Hiện tại, Hà Nội đang có hơn 100.000 hội viên thể thao người cao tuổi, trong đó 100% quận, huyện, hơn 90% xã, phường, thị trấn có CLB TDTT người cao tuổi. Đến nay, Hà Nội có tỷ lệ người dân thường xuyên tập luyện thể thao đạt 29,2%, tỷ lệ gia đình thể thao tập luyện thường xuyên đạt 21%. Đây cũng là một trong những cơ sở để Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên đạt 41-42%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 30-35%; có hơn 3.500 câu lạc bộ TDTT.

Không chỉ chăm lo cho sức khỏe người cao tuổi, thể thao quần chúng Hà Nội cũng hướng tới việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống cho lớp trẻ. Bên cạnh các giải đấu học sinh, việc phổ cập bơi cho trẻ em được tiến hành từ cả chục năm qua và được đẩy mạnh trong vài năm nay đã có hiệu ứng rõ rệt. Như những năm gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội luôn hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện để tổ chức các lớp phổ cập bơi cho trẻ em. Điều này tạo động lực để các quận, huyện mở thêm các lớp phổ cập bơi miễn phí hoặc nộp một phần kinh phí khác cho trẻ em, giúp trẻ em của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn được học kỹ năng bơi để bảo vệ bản thân. Hằng năm, Hà Nội có khoảng 8.000 đến 10.000 trẻ em được phổ cập bơi, phòng, chống tai nạn sông nước. Mục tiêu “xóa mù bơi” cho trẻ em Hà Nội vào năm 2020 ngày càng khả thi hơn.

Một mảng việc khác được phát triển trong thể thao quần chúng Hà Nội thời gian gần đây chính là trang bị dụng cụ tập luyện thể thao cộng đồng tại các địa điểm công cộng để đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân. Trong hai năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trang bị dụng cụ tập luyện thể thao cộng đồng cho 4 địa điểm công cộng ở các quận: Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông với kinh phí lên tới cả tỷ đồng. Ở cả 4 địa điểm này, mỗi ngày luôn thu hút vài trăm đến cả nghìn lượt người ở nhiều độ tuổi luyện tập.

Có thể nói, thể thao quần chúng Hà Nội không còn chỉ được biết đến ở những mảng việc mang tính bề nổi mà ghi dấu ấn ở những mảng việc có tính lâu dài, thiết thực. “Chắc bề nổi, vững bề sâu” đang là phương châm của những người làm thể thao quần chúng ở Hà Nội.

    Minh An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *