Văn hóa

“Thực học” – Khai phóng bản thân từ sách

Đó là chủ đề của Hội sách Mùa Xuân 2018 do 3 NXB Phụ nữ, NXB Trẻ và NXB Kim Đồng tổ chức khai mạc sáng 28/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội)

Với chủ đề “Thực học” – Khai phóng bản thân từ sách, BTC Hội sách Mùa Xuân 2018 cung cấp cho bạn đọc gần 40.000 bản sách thuộc đủ mọi lĩnh vực với mong muốn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều điều thú vị trên hành trình khai phóng bản thân để trở thành con người Tri thức, con người Tự do, con người Hạnh phúc.

Đã hơn 100 năm kể từ đầu thế kỷ XX, các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Trường Tộ, Đạm Phương nữ sử… kêu gọi và thực hành thực học, thực nghiệp tại Việt Nam. Đến nay, giáo dục Việt Nam, con người Việt Nam vẫn cần được “khai phóng” để đạt được đến giá trị “thực học, thực nghiệp” và cuối cùng là con người Tự do, con người Hạnh phúc, làm chủ chính mình và xây dựng xã hội văn minh.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng – GĐ NXB Phụ Nữ khẳng định: “Bằng sách, chúng tôi tin rằng, chúng ta có thể tự khai phóng mình; khai minh và giải phóng, tự chủ và tự do. Bằng sách, chúng tôi tin rằng, chúng ta có thể hoàn toàn thực học, thực nghiệp; trải nghiệm hạnh phúc và cùng nhau xây dựng xã hội văn minh”.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng – GĐ NXB Phụ Nữ phát biểu tại khai mạc Hội sách

Tại Hội sách, bạn đọc sẽ ngược về đầu thế kỷ XX thông qua Tủ sách Phụ nữ tùng thư (tủ sách Giới và Phát triển) xem thế hệ trước đã cùng nhau “canh tân” xây dựng thế hệ mới như thế nào. Với cuốn sách Một điểm tinh hoa – cuốn sách tuyển chọn và chú giải đầy đủ nhất các tác phẩm của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm – nhà tiên phong đề cập đến quyền phụ nữ thời trung đại, phong kiến. Hay với cuốn sách Đạm Phương nữ sử – Vấn đề phụ nữ ở nước ta ta sẽ thấy một phụ nữ khác, trong cung cấm, sẵn sàng rời khuê môn để chiến đấu trên trường văn trận bút, trên rất nhiều các tờ báo đầu thế kỷ XX để đấu tranh cho nữ học, nữ quyền và đặc biệt là cho vấn đề thực học, thực nghiệp của phụ nữ và nền dân chủ của nước nhà thời cận hiện đại.

Hội sách Mùa Xuân với hàng ngàn đầu sách giảm giá cùng những combo sách hấp dẫn

Thế hệ trẻ cũng sẽ cùng nhau để hiểu tuổi “tam thập nhi lập” – tuổi thanh niên lập thân, kiến quốc của thời đại ta đang sống, họ “cháy” hết mình trong hành trình khai phóng chính mình ra sao qua series sách của NXB Trẻ: 1987 và 1987+; qua tự truyện trăn trở “tôi đi tìm tôi”, để hiểu giá trị tự thân, tự học và tự trải nghiệm: Tuổi 20 – tôi đã sống như một bông hoa dại và Hôm nay mình chỉ vui thôi có được không?…

Tại Hội sách Mùa xuân này, các bậc cha mẹ tâm huyết cũng sẽ “ngộ” được “bài học” khai phóng bản thân, bài học về giáo dục “khai phóng” trong kỷ nguyên Hội nhập qua các cuốn sách Đây đất nước con, kia Tổ quốc Mẹ; Dạy con thành công hơn cả Mẹ Hổ… khi các tác giả giúp các bậc cha mẹ “ngộ” ra điều vô cùng đơn giản: Chẳng có đứa trẻ nào giống nhau và cách để giúp mỗi đứa trẻ phát triển hài hòa, hạnh phúc, chính là sự kiên nhẫn và tình yêu vô bờ bến của các bậc cha mẹ…

Hội sách thu hút rất nhiều bạn đọc ở mọi lứa tuổi ghé thăm

Trong Không gian của những người yêu sách, chúng ta cùng nghe chia sẻ và thông điệp của một sư cô đã nguyện tâm xây dựng ngôi chùa tại một xã còn nhiều khó khăn, nguyện tâm mang lại đời sống tinh thần phong phú cho dân cư không chỉ của xã, mà còn cho các em học sinh của huyện, các sinh viên của tỉnh Thái Bình thông qua việc xây dựng Thư viện với 5000 đầu sách và với vườn hoa tuyệt đẹp trong khuôn viên chùa… Ai cũng có thể đến chùa, đọc sách, ngắm hoa và cùng “gieo” mầm Thiện, cùng nhau đàm đạo để tự học, tiến đến thực học và tự khai phóng bản thân… Đó là Sư cô Thích nữ Quảng Phát – trụ trì chùa Thiên Phúc (Quỳnh Phụ – Thái Bình), người đã mang đến một thông điệp: “Những gì chúng ta biết chỉ là nắm lá trong bàn tay, những gì chúng ta chưa biết là lá trong rừng, vì vậy chúng ta muốn biết nhiều hơn nữa thì chỉ qua sách…”.

Sư cô Thích nữ Quảng Phát

Hay là chia sẻ của một nhà giáo ưu tú Dương Lệ Nga – Trưởng nhóm Kết nối trái tim thiện nguyện Thái Bình – kết nối và xây dựng hàng nghìn tủ sách và hàng chục điểm văn hóa đọc trên cả nước. Chị đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn cháy bỏng khát vọng lập các Tủ sách và Không gian đọc ở nhiều tỉnh khó khăn trên cả nước với số tiền quyên góp vài tỉ đồng mỗi năm. Họ là thành viên của Nhóm thiện nguyện Vì cộng đồng Hương Mặt Trời…

Nhà giáo ưu tú Dương Lệ Nga với chia sẻ về việc thay đổi giờ chào cờ đầu tuần khô cứng xưa nay với tuyên dương và phê bình bằng những giờ chào cờ sinh động với những trang sách mới, những vở kịch được lấy nội dung từ các câu chuyện đầy ý nghĩa trong các cuốn sách…

Chính những con người như vậy đã truyền cảm hứng để thế hệ trẻ đã không chỉ biết mỗi việc học, các em ngay từ cấp 2 đã biết lập các CLB đọc sách để cùng nhau chia sẻ tri thức và hành động vì cộng đồng… Đây chính là những con người đã đạt đến giá trị đích thực của việc khai phóng bản thân từ sách, đồng thời, chính những con người ấy đã và sẽ lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người.

Gia Linh

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *