Tin ngành

Tu bổ, tôn tạo di tích đình Đoài Giáp

Ngày 16/02/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 531/BVHTTDL-DSVH về việc thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đoài Giáp, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Hiện nay, đình Đoài Giáp đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay, đình Đoài Giáp đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Internet

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đoài Giáp, bao gồm các hạng mục: tu bổ Hậu cung, phục dựng Đại đình, Nghi môn; tôn tạo hạ tầng kỹ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý một số vấn đề sau:

Đối với việc phục dựng Đại đình: Trong quá trình lập hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cần hướng dẫn chủ đầu tư và cơ quan tư vấn bổ sung tư liệu (ảnh, bài viết, lời kể nhân chứng, dấu vết hiện trạng…) để củng cố cơ sở khoa học cho việc lựa chọn quy mô và hình thức kiến trúc của tòa Đại đình được phục dựng. Cân nhắc sử dụng đèn có ánh sáng vàng thay cho đèn huỳnh quang chiếu sáng nội thất.

Đối với việc tôn tạo, xây dựng Tả vu, Hữu vu: hạng mục Tiền tế hiện trạng có quy mô lòng nhà khá lớn, việc sử dụng lại công trình để làm Tả vu làm án ngữ phía trước Đại đình và làm hẹp sân tế. Do đó, Sở cần hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu, thiết kế Tả vu, Hữu vu có chiều rộng lòng nhà dưới 4m để không án ngữ phía trước Đại đình (đảm bảo chiều ngang sân tế không hẹp hơn chiều ngang Đại đình), hạng mục Tiền tế cũ có thể lắp dựng tại vị trí nhà kho hiện tại để sử dụng làm nơi tiếp khách, soạn lễ.

Hồ sơ cần bổ sung nhà bao che phục vụ thi công tu bổ, tôn tạo di tích; bộ ảnh màu chụp hiện trạng di tích và bản vẽ mặt cắt dọc để thể hiện rõ cao độ di tích từ ao, đường đi, sân đình, Đại đình, thiên tỉnh, Hậu cung.

Đình Đoài Giáp, thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), là một trong những ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ X. Qua nhiều thế kỷ, đình vẫn lưu giữ được kiến trúc nghệ thuật và những cổ vật có giá trị lớn như bia đá được tạc vào năm Hồng Đức tứ niên (1473), ghi lại thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng; các di vật quý như long ngai, đỉnh, hạc, 7 sắc phong, khám thờ và hương án mang đậm nét chạm khắc tinh xảo từ thời Lê… Năm 2001, đình Đoài Giáp được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đình cũng nằm trong quần thể di tích làng cổ Đường Lâm.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *