Tin tức - Sự kiện

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Gia Lâm

Sáng 23/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện Gia Lâm. […]

Sáng 23/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc

Trong những năm qua, triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, diện mạo huyện Gia Lâm đã có nhiều đổi thay tích cực. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng quý I năm 2017, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 1,1%.

Huyện đã tập trung triển khai Đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng chuyên canh giai đoạn 2016-2020; Tập trung triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng sản xuất 579,35ha; Thực hiện kiểm tra thường xuyên các thiết bị bơm, hệ thống kênh mương tưới, bảo đảm tưới tiêu kịp thời vụ.

Hiện nay, tổng diện tích chuyển đổi thực hiện quy hoạch là 579,35ha. Cụ thể, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả  là 193 ha tâp trung tại một số xã: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Quang, Trâu Qùy, Đặng Xá, Cổ Bi. Diện tích sản xuất rau an toàn ổn định tại các vùng chuyên canh rau, riêng xã Văn Đức giảm 32,6ha chuyển sang trồng cây ăn quả. Vùng cây ăn quả toàn huyện tăng 259ha.

Về kết quả thực hiện các tiêu chí NTM, đến hết năm 2016, huyện có 17/20 xã được công nhận đạt xã chuẩn NTM, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Năm 2017, huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM ở 03 xã: Ninh Hiệp, Trung Mầu, Lệ Chi.


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình nuôi lợn sạch tại xã Lệ Chi

Đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó, tỷ lệ người dân dùng nước sạch nông thôn đạt 52%. Đặc biệt, đến nay, đã thực hiện cấp đổi cho 6.584/6.924 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, bằng 95%.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao kết quả mà huyện Gia Lâm đã đạt được trong triển khai Chương trình 02-CTr/TU. Nổi bật là huyện đã xây dựng được các mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, có nhiều loại cây trồng vật nuôi theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh, đặt ra mục tiêu 5 năm, 10 năm tăng thêm số diện tích chuyển đổi tương ứng.

Tuy nhiên, huyện cần tập trung hoàn thành sớm tiêu chí về môi trường, hệ thống thuỷ lợi và nâng cao tiêu chí về thu nhập cho người dân tăng từ 35 lên 40 triệu đồng/người/năm. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu huyện cần gắn xây dựng NTM với xây dựng phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, có sự chuyển tiếp đồng bộ khi phát triển thành quận, chú trọng kết nối giao thông tạo thuận tiện cho toàn bộ khu vực phía Đông của thủ đô.

Đồng chí nhấn mạnh, huyện cần chú trọng công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng NTM, từng cấp ngành địa phương cần có những chủ trương, kế hoạch rõ ràng. Trong thời gian tới, huyện cũng cần phát huy tiềm năng lợi thế ở địa phương (gần Đại học Nông nghiệp Hà Nội) để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng giống cây trồng mới, đưa cơ giới vào sản xuất, chú trọng đẩy mạnh cơ giới hoá ở các khâu.

Đặc biệt, huyện cần quan tâm tạo ra sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản để nông dân yên tâm sản xuất. Đối với xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng hình ảnh người cán bộ gương mẫu, đổi mới, chú trọng cải cách hành chính. Nhân dịp này, đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ, phối hợp với huyện Gia Lâm và Phúc Thọ hoàn thành kế hoạch đạt huyện NTM trong năm 2017.

                                                                                      Lê Tâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *