Địa danh

Xứ Đoài – miền quê của những kiến trúc đình Việt cổ

Xứ Đoài xưa, hay còn gọi là trấn Sơn Tây hoặc trấn Hưng Hóa, là miền quê có nhiều ngôi đình nổi tiếng của người Việt cổ. Đình Đoài mang dáng vóc kiến trúc kỳ vĩ với ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

  • Đình làng So – Quốc Oai

Đình So là đình của làng So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ngày xưa và là nơi cất giữ những đồ thờ cúng được lưu truyền từ thủa xa xưa, những chiếc kiệu rước chỉ được mang ra ngoài vào dịp lễ hội.

Trải qua 4 lần tu sửa và những thăng trầm của lịch sử, ngôi đình có kiến trúc vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang đầy đủ dáng dấp của ngôi đình cổ Việt nhưng vẫn thể hiện sự tinh xảo, cầu kỳ về tinh hoa nghệ thuật. Đây là ngôi đình hiếm hoi duy nhất còn sót lại của miền đất xứ Đoài đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Ngôi đình có 7 gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói, đầu đao bốn góc uốn quanh, mái đao cong vút như mũi hài, kiêu hãnh và lộng lẫy. Bên trong đình các cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang, 10 hàng cột, có 32 cột lim lớn một vòng tay bạn ôm cũng không xuể đâu và 32 cột lim nhỏ bao quanh, đặc biệt hơn là hầu như tất cả đều được chạm trổ hoa văn rồng, mây , ly, nghê, hoa vô cùng tinh xảo và sống động.

Hội đình làng So diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, đến dự lễ hội, “đàm đạo” cùng các cụ bên chén trà, chuyện trò để hiểu hơn về lịch sử đáng tự hào của ngôi đình danh tiếng này.

Đình Mông Phụ – Sơn Tây

Khách du lịch đến với làng cổ Đường Lâm không thể không ghé thăm đình làng Mông Phụ

Đến thăm làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) ta sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể những di tích kiến trúc cổ đặc sắc của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều đền chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà cổ… Nhưng trong quần thể kiến trúc đó nổi bật hơn cả là Đình Mông phụ. Nơi đây chính là hình ảnh tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ đặc sắc của người Việt xưa.

Theo lời kể của các cụ già trong làng thì đình được xây dựng từ năm 1553 dưới thời vua Lê Thần Tông đình thờ Đức Thánh Tảng – đệ nhất phúc đẳng thần – một vị đứng đầu trong tứ bất tử của người Việt. Và đến đời vua Tự Đức thứ 12, năm Kỷ Mùi 1859 đình được mở rộng, xây thêm đình ngoài và hai nhà tả hữu mạc ở hai bên, xây tường hoa xung quanh và bốn cột trụ trước cửa, có đắp câu đối và phù điêu nổi hình tạo thành một khối kiến trúc hoàn chỉnh và khép kín.

Đình Mông Phụ được tọa lạc ngay trong trung tâm làng Mông phụ . Theo lời của các cụ trong làng, đình tọa lạc ở vị trí đầu rồng nằm hai bên hông đình có hai giếng cổ được coi như mắt rồng. Ngôi đình được xây dựng mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt – Mường, có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiến trúc nhà sàn.
Bao quanh đình là một hệ thống hàng rào xây bằng đá ong , loại đá đặc trưng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc tại khu vực này. Hàng rào đá ong này đã mang lại cho ngôi đình một nét trầm mặc cổ kính, một nét đẹp không giống bất cứ ngôi đình nào trên đất nước Việt Nam.

Đình Mông Phụ không chỉ có một ý nghĩa tinh thần to lớn đối với con người của mảnh đất này mà nó còn có một giá trị sâu sắc đối với mỗi người Việt Nam yêu quý những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể nói đình Mông Phụ chính là tinh hoa của kiến Trúc Việt.

Đình Tây Đằng – Ba Vì

Nằm cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những ngôi đình đẹp và cổ kính nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay. Ngôi đình thờ Tản Viên, một trong bốn vị thánh bất tử của Đạo giáo Việt Nam, một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt – Mường cổ.

Đình Tây Đằng được dựng từ thế kỷ 16, là đình đứng đầu trong chuỗi đình của vùng đất Quảng Oai (xứ Đoài) xưa và là một di sản văn hóa vật thể của người Việt còn tồn tại đến nay. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện được công trình nào làm từ gỗ còn nguyên vẹn có niên đại cổ hơn đình Tây Đằng.

Vẻ đẹp của đình Tây Đằng không phải ở khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ, cũng không phải ở quy mô đồ sộ mà là ở nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí còn lưu lại trên các cột, vì kèo, xà, đấu, ván long, lá gió…, thể hiện tinh hoa sáng tạo của người Việt một thời.

Nét độc đáo nhất của đình Tây Đằng được thể hiện qua các bức chạm khắc mang đậm nét văn hóa dân gian trên từng cấu kiện kiến trúc, đề tài thiên về hoạt động của con người trong làng xã Việt Nam thế kỷ 16 như bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát và tuyệt nhiên không chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, thể hiện tư duy, trí tuệ của người Việt cổ về cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân lao động…

Như một di sản văn hóa dân tộc, đình Tây Đằng là quà tặng của tổ tiên để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo, đình Tây Đằng được ví như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ 16. Hàng năm có rất nhiều người dân trên cả nước và du khách quốc tế lui tới viếng thăm, tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị lịch sử, văn hóa của đình.

Đình Chu Quyến – Ba Vì

Đình Chu Quyến tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê, chỉ có duy nhất một tòa đại đình ba gian hai chái

Đình Chu Quyến được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ Thành Hoàng làng Nhã Lang Vương – là con trai của Lý Phật tử (571-602). Sau khi giúp cha đánh thắng quân của Triệu Việt Vương (548-571), Nhã Lang Vương từ chối ngôi Đông Cung Thái Tử, cùng mẹ về quê ngoại sinh sống (địa phận làng Chu Quyến bây giờ), rồi sau đó hóa Thánh tại đây. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành Hoàng làng.

Đình Chu Quyến tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê, chỉ có duy nhất một tòa đại đình ba gian hai chái; trong đó, Hậu cung – nơi thờ Nhã Lang Vương, được bố trí ngay tại Chính điện.

Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện trên gỗ và đất nung. Nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc cổ đánh giá các hình chạm trang trí ở đình Chu Quyến được bố trí rất cầu kỳ với những mảng chạm nông xen với chạm “lộng”, chạm “kênh” đã tạo ra nhiều lớp hình khối có giá trị nghệ thuật cao.

Đình Chu Quyến không chỉ có phong cách kiến trúc độc đáo từ những cột, kèo, mái… mà nghệ thuật điêu khắc cũng không kém phần đặc sắc.

Giá trị văn hóa, lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở một số di vật cổ còn được lưu giữ đến tận ngày nay, đặc biệt là 15 đạo sắc phong do triều đình Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn phong cho Nhã Lang Vương.

Hàng năm, cứ vào các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội đình Chu Quyến để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức chính được tổ chức trang trọng, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia như: đánh cờ, vật dân tộc, múa hát…

Hà Anh (T/h)

Ảnh: Internet

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *