Địa danh

Yên bình lạc bước trong những ngôi làng cổ Hà Nội

Yên bình, cổ kính và đẹp đến nao lòng là ấn tượng của nhiều du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến những ngôi làng cổ ở Hà Nội

Làng cổ Đường Lâm – Sơn Tây

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50km, thuộc thị xã Sơn Tây. Đây là một ngôi làng cổ kính với nhiều mái nhà ngói đỏ xưa cũ. Đến đây, sẽ có khá nhiều người bất ngờ khi biết có những ngôi nhà ở làng đã hơn 300 năm tuổi.

Trải qua bao thăng trầm, Đường Lâm vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen..
Nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường ấy…

Ngôi làng cổ với những con ngõ nhỏ mang một nét rất riêng

Du khách có thể đi làng cổ Đường Lâm vào mọi thời điểm trong năm, nhưng nếu đến đây vào mùa lúa chín tháng 9 hoặc tháng 5 bạn sẽ được chiêm ngưỡng thêm những con đường làng trải đầy rơm rạ, cho bạn tha hồ chụp ảnh và tận hưởng.

Làng cổ Cự Đà – Thanh Oai

Làng cổ Cự Đà là một điểm đến của Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn vào khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.

Làng cổ Cự Đà với nghề làm miến nức danh

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km chính là thôn Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ Cự Đà còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.

Đến thăm làng, bạn sẽ bị ấn tượng ngay bởi những ngôi nhà 3 gian, 5 gian, ngói lợp thời xưa. Kiến trúc đặc trưng của nhà xưa vùng đồng bằng Bắc Bộ không lẫn vào đâu được, từ miếng gạch dưới chân, bức tường vững chãi, không gian nhà ấm áp. Ngoài những ngôi nhà, làng cổ Cự Đà còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo đều là những di sản được xếp hạng di tích quốc gia.

Làng Cựu – Phú Xuyên

Ít ai biết được ngôi làng cổ hơn 500 tuổi với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp rất độc đáo, kích thích sự tò mò của bất kỳ ai. Đó chính là làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Ngõ vắng yên bình

Tất cả những ngôi nhà ở đây mang đậm nét Tây phương nhưng nó vẫn đem lại một cảm giác bình dị thân quen. Ngôi làng cổ kính, thâm trầm với nhiều toà biệt thự kiến trúc kiểu Pháp tuyệt đẹp nằm cách Hà Nội hơn 30km. Bạn sẽ vô cùng ngỡ ngàng và yêu nơi đây đó.

Làng Ước Lễ – Thanh Oai

Nằm tại xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội, làng cổ Ước Lễ xưa nay nức tiếng xa gần bởi nghề làm giò chả truyền thống từ xa xưa. Nhưng ngôi làng ấy còn khiến bao người tự hào bởi những kiến trúc đặc trưng của làng cổ Việt, cổng làng “tường cao hào sâu”, những ngôi nhà, mái đình, khu chợ còn giữ vẹn nguyên dáng dấp từ hàng trăm năm trước.

Đến Ước Lễ bạn còn có cơ hội tìm hiểu về nghề truyền thống của làng, dường như món giò chả nổi tiếng đã trở thành một thương hiệu đặc trưng cho vùng đất ấy. Nó không chỉ làm một món ăn ngon, nó còn chứa đựng cái văn hóa làng và gắn liền với những câu chuyện lịch sử của người dân nơi đây.


Làng Đông Ngạc – Bắc Từ Liêm

Làng Đông Ngạc có tên nôm là làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, nằm ở bên bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long. Nơi đây có vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng. Nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng khi đến đây vì chỉ cách trung tâm thủ đô chừng 10 km mà làng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt.

Đến thăm Đông Ngạc, du khách cũng sẽ được giới thiệu đến các ngôi nhà thờ tổ của dòng họ Phan, Phạm, Hoàng, Đỗ, Nguyễn vẫn được con cháu giữ gìn những di vật có giá trị.

Cổ Loa – Đông Anh

Nhắc đến Cổ Loa, người ta nghĩ ngay đến truyền thuyết về An Dương Vương được thần Kim Quy bày cho cách xây thành, ngày nay nơi đây trở thành di tích lịch sử, thế hệ sau khám phá được những giá trị và vẻ đẹp lịch sử của Cổ Loa.


Bạn sẽ cảm nhận được cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt với hào nước, sông ngòi, gò đống. Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn.

Bạn có thể ngồi nghỉ chân dưới các tán cây lớn để tận hưởng không gian mát mẻ trong lành.

Hân Hân (T/h)

Ảnh: Internet

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *