Di sản

Bia Đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam thành Thăng Long. Trước đây, khu vực này thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc, thuộc làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Hiện nay, di tích thuộc địa bàn 2 quận Đống Đa và Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những di tích có giá trị đặc biệt, phản ánh hết sức sinh động truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến, trong đó, các bia tiến sĩ hiện còn tại di tích là một di sản văn hóa nổi tiếng và là niềm tự hào của dân tộc. ​

Năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự, cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần) đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội. Như vậy, trong lịch sử, di tích là nơi thờ Thánh Nho (Khổng Tử), Chu Công, Tứ phối, thất thập nhị hiền, Chu Văn An và là trường Quốc học đào tạo trí thức Nho học của nước ta từ thời Lý đến thời Lê.

Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là người đề xướng dựng bia đề danh tiến sĩ để tôn vinh các trí thức Nho học đỗ đạt. Đến nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 bia ghi rõ họ tên, quê quán của 1.304 nhà trí thức khoa bảng (85 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa; 283 hoàng giáp và 939 tiến sĩ). Trong số văn bia này, bia tiến sĩ có niên đại sớm nhất, được dựng năm 1484, đời Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442; bia tiến sĩ có niên đại muộn nhất, được dựng vào năm 1780, ghi về khoa thi năm 1779.

Từ lâu, hệ thống bia đề danh tiến sĩ trong Khu di tích đã được coi là một trong những di sản văn hóa vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Giá trị ấy được thể hiện qua một số điểm sau:

Thứ nhất, đây là những tư liệu lịch sử xác thực, ghi lại kết quả các kỳ thi tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1779, thuộc thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII). Mỗi tấm bia dựng cho một khoa thi. Những bài ký trên bia là nguồn sử liệu phong phú về một khoa thi. 82 bia này là nguồn sử liệu quí giá, phản ánh về lịch sử giáo dục Việt Nam trong suốt 300 năm.

Thứ hai, trên mỗi tấm bia đều có các bài văn thể hiện quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhiều triết lý về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại… đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, việc khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp" được khắc trên bia đề danh tiến sĩ năm 1484 (ghi lại khoa thi năm 1442) đến nay vẫn được coi như một tư tưởng lớn về việc đánh giá và sử dụng nhân tài của đất nước.

Thứ ba, bia đề danh tiến sĩ là nguồn sử liệu quí giá, giúp cho việc nghiên cứu  về tiểu sử, hành trang của nhiều danh nhân Việt Nam, như Nguyễn Trãi – người được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới, Lê Quí Đôn, Lương Thế Vinh…. Hơn nữa, trong số 1304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia, có tới 225 vị từng đi sứ Trung Quốc, như Nguyễn Như Đổ, Lê Quý Đôn… Điều này đã thể hiện giá trị độc đáo và khẳng định ý nghĩa quốc tế của bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Thứ tư, chữ Hán khắc trên các bia, có niên đại rất cụ thể, phản ánh về thư pháp (cách viết chữ) của các thời liên quan. Vì vậy, có thể coi đây là căn cứ quan trọng để nhận diện tiến trình phát triển thư pháp chữ Hán của người Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

Thứ năm, về giá trị nghệ thuật, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, do các nghệ nhân hàng đầu tạo tác. Do đó, 82 tấm bia là 82 phong cách nghệ thuật khác nhau, phản ánh cụ thể và sinh động nghệ thuật tạo tác bia đá của tiền nhân.

82 bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những tấm bia đề danh tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm (từ 1442 đến 1779), mà còn ghi lại triết lý của các triều đại về vấn đề giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó có tác động to lớn đối với xã hội đương thời và hậu thế. Ngoài ý nghĩa văn hóa, giáo dục, mỗi tấm bia tiến sĩ còn mang theo những thông tin về các khoa thi Hội, như tên các quan trông coi thi, chấm thi, ngày thi, ngày yết bảng xướng danh những người thi đỗ…

Qua phong cách nghệ thuật và nội dung phản ánh, về cơ bản, có thể chia 82 bia này thành 3 loại: loại I gồm 14 bia dựng từ năm 1484 đến năm 1536, loại II gồm 25 bia dựng vào năm 1653, loại III gồm 43 bia dựng từ năm 1717 đến năm 1780. Trong số trong số 82 bia này, các nhà mỹ thuật đánh giá bia loại II là những hiện vật quý giá nhất về mặt nghệ thuật trang trí (đề tài trang trí trên trán và diềm bia phong phú và tinh tế, đường nét chạm đục hoa văn, linh thú, mây trời đều rất sinh động, tươi vui, hóm hỉnh. Rùa đế của bia loại II được tạc đơn sơ nhưng khỏe mạnh, mang cái đẹp của những phác thảo, tượng trưng và gợi cảm…)

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc sắc, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO  đã ghi danh 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào Danh mục Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Khánh Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *