Di sản

Các di tích văn hóa Thủ đô: Đổi mới, sáng tạo sẵn sàng phục vụ khách tham quan ngay khi được mở cửa trở lại

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, các di tích trên địa bàn Thủ đô tạm dừng đón khách tham quan từ ngày 16/2/2021. Trong thời gian này, ngoài thự hiện công tác phòng chống dịch, các di tích đã tập trung cho công tác chuyên môn để tạo sẵn sàng phục vụ khách tham quan ngay khi được mở cửa trở lại.

Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những đơn vị đi đầu trong việc khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid trong năm 2020. Đơn vị đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động thu hút khách tham quan với các chương trình tour đêm trải nghiệm. Nhằm tiếp tục khắc phục những khó khăn do dịch bệnh tái bùng phát, bà Nguyện Thị Bích Thủy – Trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Trong thời gian tạm dừng đón khách tham quan theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội từ ngày 16/2/2021 đến nay, ngoài công tác tổng vệ sinh, khử khuẩn được đảm bảo thực hiện nghiêm túc tại di tích theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban quản lý di tích đã tập trung trí tuệ của toàn cán bộ, công nhân viên tiếp tục xây dựng kịch bản cho “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” tiếp nối thành công của 2 tour đêm: “Sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa”. Đêm thiêng liêng 3 dự kiến sẽ đưa vào trải nghiệm vào đầu tháng 7 – tháng tri ân những người anh hùng dân tộc, các thương binh, liệt sĩ.

BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò đang thi công chuẩn bị cho trưng bày “Một thời sôi nổi”.

Bên cạnh đó, tại di tích cũng đang chuẩn bị cho trưng bày “Một thời sôi nổi” nhân kỷ niệm 90 năm Thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, dự kiến khai mạc vào 18/3 nếu như dịch bệnh được khống chế. Cùng với đó, BQL di tích cũng đang chuẩn bị cho các tour ngày với các hoạt động trải nghiệm kết hợp hoạt cảnh dự kiến sẽ đưa vào phục vụ khách tham quan vào 1/4/2021. Đồng thời các tour Đêm thiêng liêng 1, 2 vẫn được các cán bộ, công nhân viên của BQL chuẩn bị kỹ lượng hơn nữa để phục vụ khách đến với di tích Hỏa Lò ngay sau khi di tích được mở cửa đón khách trở lại.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám vắng lặng trong những ngày tạm dừng đón khách.

Tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi hàng năm đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan bây giờ trở nên vắng lặng. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, thời gian này, trung tâm tập trung dọn dẹp, chỉnh trang, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại di tích. Trung tâm tranh thủ thời gian tạm dừng đón khách để tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu trưng bày Trường Quốc Tử Giám, phục dựng các sinh hoạt tại trường, dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm nay; tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia tiến sĩ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy giá trị rộng rãi hơn.

Công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống dịch luôn được đảm bảo tại di tích Văn Miếu.

Còn tại Bảo tàng Hà Nội, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết, Bảo tàng đã tạm thời đóng cửa, không phục vụ khách tham quan từ ngày 18/5/2020 để tập trung cho công tác làm nội dung, sưu tầm hiện vật, thiết kế trưng bày và chuẩn bị mặt bằng cho công tác thi công trưng bày. Tuy vậy, trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Hà Nội đã thực hiện phun thuốc khử khuẩn toàn bộ tòa nhà trước và sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đảm bảo tối đa phòng chống dịch; đồng thời thông báo đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động phải thực hiện việc khai báo y tế trong trường hợp có đến các vùng dịch trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch khác. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội cũng đẩy mạnh làm việc trực tuyến giữa các chuyên gia trong nước, đơn vị tư vấn thiết kế với các chuyên gia Bảo tàng tại Pháp (do chuyên gia Pháp không thể đến Hà Nội làm việc). Các gói thầu sau khi được phê duyệt sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng thi công.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thời gian thực hiện đóng cửa các di tích, tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng thời gian các di tích gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy đây cùng là cơ hội để các bảo tàng, di tích trực thuộc Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài, mà còn tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa tới nhiều người dân và du khách phương xa. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chủ động phương án sẵn sàng phục vụ công chúng và du khách ngay khi được mở cửa trở lại đi kèm với các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Thanh Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *