Di sản – Bảo tồn

Cần bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cổ, cũ trong tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Yên, quận Ba Đình

Ngày 29/6, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 2258/BVHTTDL-DSVH gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Di tích đình Đại Yên. Ảnh: Internet.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Yên, nội dung: Tu bổ Nghi môn, Đại đình; tôn tạo Tả vu, Hữu vu, khu mộ Ngọc Hoa công chúa, cổng đình, giếng đình, biển giới thiệu di tích, nhà bếp – kho, nhà vệ sinh; xây dựng am hóa vàng, tường rào và hạ tầng kỹ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý cần bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cổ, cũ của Đại đình; gông bó, tái sử dụng các chi tiết nề ngõa, phục hồi chữ của các hạng mục Đại đình, Nghi môn.
Về hồ sơ cần bổ sung vào căn cứ pháp lý Thông tư số 15/2019/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (thay thế Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL đã hết hiệu lực thi hành).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Đình Đại Yên tọa lạc trên đất Đại Yên, thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ, hiện nay, thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Đình Đại Yên được xây dựng thế kỷ XII – XIII và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa, chủ yếu vào các năm 1886, 1901. Hiện nay, cổng đình mang đặc điểm kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu ngũ môn, ba hiện hai ẩn, với cửa giữa nằm trong hai trụ lớn kiểu lồng đèn. Ở bốn gian bên của phần hiên trước khi vào Tiền tế, dưới mái được lót ván kín theo kiểu vòm cuốn, đây chính là điểm đặc thù của đình Đại Yên.
Đình Đại Yên hiện còn 4 nhang án được bảo quản tốt, trong đó, chiếc đặt ở tiền tế có giá trị nghệ thuật khá cao. Ngoài ra, đình Đại Yên còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: kiệu bát cống, long đình, ngai, bài vị, cửa võng, một đôi chóe khá lớn mang niên hiệu Càn Long bên cạnh những bộ chấp kích, đại đao, chùy…
Nằm giữa một vùng có nhiều di tích cổ, đình Đại Yên dường như nổi bật lên không phải vì kiến trúc bề thế, mà trước hết bởi ngôi đình gắn liền với câu chuyện về nhân vật Ngọc Hoa công chúa, một nữ anh hùng, niềm tự hào của dân làng Đại Yên, tiêu biểu cho truyền thống đánh giặc ngoại xâm của dân tộc. Với những giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật cùng với việc gắn với địa danh của một trong “mười ba làng trại” nằm ở phía Tây của kinh thành Thăng Long xưa, đình Đại Yên đã được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 27/12/1990.

VH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *