Di sản – Bảo tồn

Cần bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cũ, chân tảng, ngói lợp trong tu bổ, tôn tạo điện Đức Ông thuộc di tích đền Trung, huyện Ba Vì

Ngày 20 tháng 7 năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2539/BVHTTDL-DSVH gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo điện Đức Ông thuộc di tích đền Trung, huyện Ba Vì.

Khu di tích Đền Trung. Ảnh: bavi.hanoi.gov.vn.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo điện Đức Ông, thuộc di tích đền Trung, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nội dung: Nâng nền công trình lên thêm 05cm; bảo quản, tu bổ kiến trúc công trình; hạ giải tường bao hiện trạng, phân loại và tái sử dụng gạch cũ để xây lại tường.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý cần bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cũ, chân tảng, ngói lợp và đặc biệt là các viên gạch xây tường bao hiện có của công trình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Đền Trung có rất nhiều công trình với quy mô lớn và hoành tráng miếu thờ Đức Ông, nhà Mẫu, nhà thờ Phật… đã tạo nên một quần thể rất sinh động và đầy tôn nghiệm tại nơi đây. Ảnh: Internet.

Đền Trung hay còn gọi là Trung Cung. Theo cuốn Ngọc Phả “Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại Đền Và (Đông Cung) do Quản giám bách thân Nguyễn Hiển sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) có ghi: Đền Trung là nơi thờ bà Ma Thị Cao Sơn, mẹ nuôi của Đức Thánh Tản Viên. Đền Trung tọa lạc ở một vị trí tương đối bằng phẳng lưng chừng phía Tây núi Ba Vì (khoảng cốt 600m) thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Bên dưới là dòng Sông Đà vắt ngang như dải lụa, nhìn sang phía bên kia bờ sông Đà là quê hương của Đức Thánh Tản. Theo một số tư liệu cho thấy Đền Trung được xây dựng từ triều Lý, đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại. Đền có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam phỏng theo quẻ Càn trong kinh dịch, biểu tượng cho sự bền vững gồm Tiền tế, Đại bái, Hậu cung. Đền có quy mô lớn, hoành tráng, gồm nhiều hạng mục kiến trúc như miếu thờ Đức Ông, nhà Mẫu, nhà thờ Phật … tất cả đã tạo thành một quần thể di tích liên quan đến sự tích Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh và là ngôi đền có một vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở Ba Vì.

VH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *