Âm nhạc

Câu lạc bộ Ca trù Cầu Đơ 1 (Hà Cầu – Hà Đông): Nơi gìn giữ điệu nhạc dân tộc

Dù thế giới âm nhạc luôn nhiều màu sắc, nhiều gu thưởng thức khác nhau, nhưng bằng sự nhiệt tình, bền bỉ, trách nhiệm, các thành viên CLB Ca trù Cầu Đơ 1 đã gieo vào lòng người yêu nhạc ở địa phương niềm yêu thích dòng nhạc truyền thống và họ đã thành công.

Âm nhạc truyền thống luôn có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của những loại hình âm nhạc hiện đại đã khiến âm nhạc truyền thống rơi vào tình trạng bị khán giả trẻ quay lưng, thờ ơ và đứng trước nguy cơ mai một. Vậy mà, ở đâu đây vẫn có những người luống tuổi vì đam mê dòng nhạc truyền thống đã, đang nỗ lực giữ gìn nét tinh hoa ấy. Các diễn viên, nhạc công của Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Cầu Đơ 1 (phường Hà Cầu – quận Hà Đông) đang miệt mài làm những việc như thế.
CLB Ca trù Cầu Đơ 1 thành lập năm 2005. Các thành viên trong CLB vốn là những người yêu thích ca hát nên đã tụ tập nhau lại để đàn, hát cho vui như các ông, bà: Nguyễn Thị Cát, Vương Thị Hồng, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Hồng Vân (ca nương); Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Hữu Chấp, Phan Văn Năm (chơi trống); Nguyễn Đức Mạnh (chơi đàn)…Thậm chí có người không biết đàn, không biết hát như cụ Lưu Đình Thơm, Nguyễn Thị Minh cũng tích cực tham gia CLB, với lý do “say” dòng nhạc truyền thống. Đến thời điểm này, CLB quy tụ được khoảng 20 thành viên, người lớn tuổi nhất ngoài 70, ít tuổi nhất là 40. Các ca nương, kép đàn của CLB Ca trù Cầu Đơ 1 đang tô điểm cho câu, cho chữ, cho trống, cho phách, cho đàn để gìn giữ điệu nhạc dân tộc cho ngày sau.


Các thành viên CLB hát quan họ trên thuyền phục vụ nhân dân.

Buổi ban đầu chỉ là hát Ca trù, nhưng yêu các loại hình nhạc truyền thống nên các ca nương, kép đàn của CLB Ca trù Cầu Đơ 1 ngoài hát Ca trù còn tìm học cách hát Xẩm, Chèo, Cải lương, Quan họ…Để hiểu sâu hơn về cách hát các thể loại, thành viên CLB tích cực học trên đài, trên ti vi, học từ bạn bè…Bà Cát chia sẻ: “Có tìm hiểu và thuộc các thể loại nhạc dân tộc, mới thấy được sức cuốn hút lạ kỳ đối với người nghe cũng như người theo học”. Với vốn năng khiếu sẵn có cùng sự ham học hỏi, các giọng ca như Vương Thị Hồng, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Cát, Nguyễn Thị Hồng Vân…có thể hát được nhiều điệu hát, thể hát của Ca trù gồm: Hát nói, Bắc phản, Mưỡu; các làn điệu Chèo: Quân tử vô dịch, Luyện năm cung, Chức cẩm hồi văn, Con nhện giăng mùng, Đào liễu; các bài Dân ca: Bèo dạt mây trôi, Cò lả, Cây trúc xinh, Trống cơm, Ru con, Tương phùng tương ngộ; các bài hát Văn – hát Chầu văn: Cô đôi thượng ngàn, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…Những ca nương còn đặc biệt yêu thích các làn điệu hát Xẩm: Xẩm thập ân, Xẩm trống quân, Xẩm chợ, Xẩm tàu điện.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, thôn Cầu Đơ (nay là các khu Cầu Đơ 1, Cầu Đơ 2…) có ông Nguyễn Văn Mộc và bà Lưu Thị Sơn hát Xẩm nổi tiếng khắp vùng. Mỗi khi đi làm đồng, các ông, các bà luôn hát ví von, hát Xẩm cổ vũ người nông dân hăng say lao động sản xuất. Tiếng hát của ông, bà tạo thành trào lưu lúc bấy giờ ở Cầu Đơ. Noi gương các ông, bà, thành viên trong CLB Ca trù Cầu Đơ 1 động viên nhau hát Xẩm nhằm duy trì nét văn hóa quê mình.


Tiết mục hát Chầu văn “Cô đôi thượng ngàn”
do các thành viên CLB thể hiện.

Ngoài ca hát, CLB còn dàn dựng được một số trích đoạn Chèo, Cải lương do bà Nguyễn Thị Cát đảm nhiệm, gồm: Trích đoạn Chèo: Quan âm Thị Kính, Việc làng, Dời đô (trích đoạn Dời đô, giải Nhất tại Liên hoan Tiếng hát Nông dân quận Hà Đông năm 2010); trích đoạn Cải lương: Tiếng trống Mê Linh; hoạt cảnh Cải lương: Giấc mơ của mẹ (tiết mục xuất sắc tại Liên hoan Tiếng hát Cựu chiến binh quận Hà Đông năm 2018)…Biết nhiều bài hát, nhiều làn điệu, dàn dựng nhiều trích đoạn, tất cả đều do sự nỗ lực trong việc tự học của các thành viên CLB. Với mong muốn trau dồi thêm kiến thức, bà Cát – Chủ nhiệm CLB Ca trù Cầu Đơ 1 còn theo học lớp thanh nhạc để về hỗ trợ chuyên môn cho CLB. Còn ông Lâm thì mày mò tìm hiểu nhiều loại nhạc cụ, sau đó học cách đánh để phục vụ CLB và truyền dạy cho các thành viên. Những lúc rảnh rỗi, bà Cát tự chế ra đạo cụ như kiếm, cờ, mũ…cho các tiết mục. Nhờ các thành viên tự đóng góp kinh phí, CLB đã có được số trang phục, đạo cụ kha khá, có thể biểu diễn nhiều thể loại trong dòng nhạc truyền thống mà CLB đang theo đuổi.
Vào dịp hội làng, hay các hội nghị, sự kiện của phường, các cuộc thi do quận Hà Đông tổ chức, CLB Ca trù Cầu Đơ 1 luôn được tín nhiệm mời tham gia. Mỗi lần CLB biểu diễn luôn thu hút đông đảo người dân địa phương đến động viên, cổ cũ. Ở CLB Ca trù Cầu Đơ 1, giọng hát, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách của các thành viên đã tạo nên một phong cách sân khấu riêng biệt, ăn sâu vào tâm trí người dân địa phương suốt bao năm nay. Tuổi đã cao nhưng các thành viên trong CLB vẫn nhiệt thành góp sức gìn giữ dòng nhạc truyền thống của dân tộc. Bà Cát chia sẻ thêm: “Mong muốn của CLB là truyền dạy cho lớp trẻ dòng nhạc dân tộc mà CLB đã chắt chiu, nhưng rất khó khăn. Bởi lẽ, các cháu nhỏ thì đang trong độ tuổi học hành, lớn tuổi hơn thì ham làm kinh tế nên dẫu có yêu dòng nhạc này bao nhiêu thì họ cũng chẳng có thời gian theo học. Đó là điều CLB luôn trăn trở”…
Dù thế giới âm nhạc luôn nhiều màu sắc, nhiều gu thưởng thức khác nhau, nhưng bằng sự nhiệt tình, bền bỉ, trách nhiệm, các thành viên CLB Ca trù Cầu Đơ 1 đã gieo vào lòng người yêu nhạc ở địa phương niềm yêu thích dòng nhạc truyền thống và họ đã thành công.

Mai Phương

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *