Gia đình

Chính sách quốc gia chăm sóc người cao tuổi: Cả xã hội cùng vào cuộc

​Năm 2004, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam được thành lập.

Năm 2006, Quỹ Chăm sóc NCT Việt Nam (thuộc TƯ Hội NCT Việt Nam) được thành lập. Cũng từ năm 2006, ngày 6/6 hàng năm được lấy làm ngày Truyền thống NCT Việt Nam. Trên thế giới, Ngày NCT quốc tế được chọn là ngày 1/10.

Chính sách quốc gia chăm sóc người cao tuổi: Cả xã hội cùng vào cuộc 1 

Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ảnh: P.V

Bộ Y tế đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe NCT

Trong Chiến lược Dân số -SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 ghi rõ chỉ tiêu: Tăng tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT lên 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; Tăng tỷ lệ NCT được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng lên 20% (2015) và 50% (2020).

Riêng Bộ Y tế, từ năm 2009 đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 về Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe NCT. Thông tư quy định rõ: Các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh. Thông tư cũng quy định về trách nhiệm của trạm y tế xã, phường; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong việc tổ chức khám, chữa bệnh cho NCT; quy định nội dung, trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng; quản lý các bệnh mạn tính cho NCT…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai Thông tư 35 cũng bộc lộ những hạn chế. Theo GS Phạm Thắng –Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, qua kiểm tra thực tế, có nhiều tỉnh hiện chưa thành lập khoa lão tuyến tỉnh nhưng có dành số giường cho bệnh nhân cao tuổi và họ phải nằm rải rác khắp các khoa.

“Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta vẫn chưa có chính sách thỏa đáng với cán bộ y tế xã về khám chữa bệnh cho NCT tại nhà; UBND các tỉnh, thành phố khi phê duyệt kinh phí về khám sức khỏe định kỳ cho NCT hàng năm còn hạn chế; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho NCT tại trạm y tế xã chưa đầy đủ…”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Còn bà Phạm Tuyết Nhung (Phó Trưởng ban đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam) chia sẻ: Theo kết quả giám sát về chăm sóc sức khỏe NCT của Trung ương Hội, công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT đã được quan tâm, nhưng hiện vẫn thiếu bệnh viện lão khoa, ít bệnh viện có khoa lão khoa, khu riêng cho NCT; thiếu bác sĩ chuyên về lão khoa. Dù theo quy định của Luật NCT: “Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám bệnh trước người khác, trừ bệnh nhân cấp cứu, người khuyết tật nặng, trẻ em dưới 6 tuổi”, nhưng thực tế giám sát của Hội NCT cho thấy, NCT trên 80 tuổi khi khám chữa bệnh ít khi được ưu tiên; nhiều NCT do giấy tờ không khớp nhau nên bị vướng khi khám bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, theo bà Nhung, “Người cao tuổi ít khám bệnh định kỳ, chỉ khi bị bệnh nặng mới đi khám. Họ ít hiểu biết về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh không đúng cách. Thậm chí, một bộ phận nào đó hay bị quảng cáo lợi dụng”.

Sẽ có Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng

Mới có 28/63 tỉnh, thành lập Khoa Lão khoa tại các bệnh viện

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Sau 10 năm triển khai Thông tư 23 của Bộ Y tế về việc đề nghị tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh thành lập khoa lão, mới có 28/63 tỉnh thành lập, nhiều bệnh viện chưa vận động triển khai khoa Lão khoa. Nhiều tỉnh lồng ghép với các khoa khác. Tình trạng cũng tương tự với bệnh viện tuyến huyện, khi các bệnh nhân cao tuổi phải nằm “trộn lẫn” tại các khoa khác; và điều này cũng chưa đồng bộ. Con số Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cung cấp, thì chỉ mới có 2,8% NCT được khám sức khỏe định kỳ.

Về các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT, PGS Lương Ngọc Khuê cho rằng, phải tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho NCT, tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe NCT, cần thành lập các bệnh viện chuyên lão khoa. Cần thiết thành lập khoa lão khoa tại các bệnh viện (trừ bệnh viện Nhi).

Theo quy hoạch phát triển của Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã được Bộ Y tế phê duyệt thì đến năm 2015 sẽ xây dựng Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 với quy mô 500 giường bệnh. Tiếp đến sẽ thành lập Bệnh viện Lão khoa tại TP HCM và Đà Nẵng. “Tới đây, chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế về chức năng rất quan trọng của hệ thống bác sĩ gia đình là quản lý sức khỏe NCT ở cộng đồng. Tại các nước phát triển (Anh, Bỉ…), 90% các bệnh của NCT có thể giải quyết ở tuyến cơ sở và bác sĩ gia đình, số còn lại mới chuyển lên tuyến Trung ương”, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Một mô hình nữa rất hiệu quả được Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề cập là xây dựng bệnh viện ban ngày (không có giường nội trú, bệnh nhân đến trong ngày, buổi tối về nhà); xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão với 3 loại chính là: Nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (24/24 giờ); nhà dưỡng lão cho đối tượng đặc biệt (ví dụ bệnh nhân Alzheimer); nhà dưỡng lão cho NCT tương đối khỏe mạnh… Ngoài ra, giải pháp quan trọng nữa là đào tạo nguồn nhân lực thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa, đảm bảo an sinh xã hội cho NCT…

GS.TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, thời gian tới, sẽ thành lập Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng do Bộ Y tế và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng chủ trì. Theo đó, đầu năm 2014, sẽ thành lập Ban chỉ đạo liên ngành; đến tháng 6/2014, sẽ xây dựng Chiến lược phát triển và tới tháng 12/2014, sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng tại Việt Nam.

Những con số ấn tượng

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện nay người cao tuổi chiếm 11% dân số thế giới. Dự báo đến năm 2050 con số này là 2,03 tỷ người, chiếm 22% tổng dân số thế giới. Thế giới đang bước vào giai đoạn dân số già.

Châu Á hiện là khu vực có số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới, chiếm 55,2% dân số cao tuổi trên thế giới. Các “siêu quy mô dân số” trên thế giới đều tập trung tại châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…Cho đến năm 2050, thứ hạng này vẫn thuộc về châu Á. Khi đó, người cao tuổi châu Á chiếm tới 61,7% dân số cao tuổi trên thế giới. Tiếp theo châu Á là đến châu Âu, Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean, châu Phi và cuối cùng là châu Úc.

Pháp là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi nhất (80+ tuổi) chiếm 24%. Tiếp đến là Tây Ban Nha, Italia (23%), Bỉ, Nhật Bản (22%), Hy Lạp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Anh, Uruquay (21%)…

Hiện tại, chỉ duy nhất châu Phi là chưa bước vào giai đoạn già hóa dân số bởi mức sinh của khu vực này còn rất cao. Đến năm 2050, khu vực này sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số trong khi đó cả thế giới đã bước vào giai đoạn dân số già. Đặc biệt là tại các nước phát triển, châu Âu, Đông Á đã bước vào giai đoạn dân số siêu già.

Chi phí cho quỹ hưu trí toàn dân cho người từ 60 tuổi trở lên ở các nước đang phát triển chỉ chiếm từ 0,7% đến 2,6% tổng thu nhập quốc dân.

Trên toàn cầu, có 47% nam giới cao tuổi và 23,8% nữ giới cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động.

Kinh Quốc (Nguồn UNFPA)

Quỳnh An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *