Di sản

Chùa Mía – danh lam nổi tiếng xứ Đoài

Chùa Mía không chỉ nổi tiếng vì cổ kính, có nhiều tượng Phật nhất trong số các chùa ở nước ta mà còn nổi tiếng là nơi thâm nghiêm, thanh tịnh.

Chùa Mía – danh lam nổi tiếng xứ Đoài. (Ảnh: Internet)
Không giống như nhiều ngôi chùa khác, chùa Mía vào mùa xuân không ồn ào hay nghi ngút khói hương mà vẫn yên
tĩnh, trang nghiêm. Chùa ẩn mình trong sương sớm, nơi để con người chìm vào thế giới thâm nghiêm, tạm quên đi cuộc sống ồn ào, vội vã.
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 50km về phía tây theo quốc lộ 32, di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được nhiều người biết đến vì có nhiều di tích lịch sử-văn hóa độc đáo, đặc trưng “xứ Đoài”. Trong số hàng chục di tích nổi tiếng ở Đường Lâm, có lẽ chùa Mía là di tích cổ nhất, đẹp nhất, tạo ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khách thập phương. Chẳng thế mà người Đường Lâm xưa đã tự hào có câu ca:
“Nổi danh chùa Mía làng ta
Có pho Tống tử Phật bà Quan Âm”
Chùa Mía tên hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, được xây dựng vào thời Trần, tọa lạc trên triền đồi đá ong ở giữa thôn Đông Sàng. Đến thế kỷ 17, chùa đã bị đổ nát, hoang phế nhiều. Năm 1632 Cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong, vợ chúa Trịnh Tráng (1632-1657), đứng ra hưng công để xây dựng lại. Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của Bà, đã tạc tượng đưa vào phối thờ ở Chùa và còn có đền riêng. Vì tôn kính nên gọi là “Bà Chúa Mía”. Về sau Chùa được tu bổ nhiều lần, song đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn

Chùa nằm trên một ngọn đồi đá ong, được tách ra làm ba khoảnh tách bạch. Phía ngoài cùng là gác chuông, tiếp đó là mảnh sân, ở phía bên góc phải là một cây đa vài trăm tuổi, tán lá sum suê che mát cả một khoảng rộng, tạo cho khu chùa Mía một cảnh yên tĩnh mát mẻ và linh thiêng. Qua một cổng gạch là đến dãy nhà thụ trai (nơi ở của các nhà sư). Tiếp đến là khu nhà chính gồm: Nhà bái đường, chùa hạ, chùa trong và thượng điện.
Ở nhà bái đường có một tấm bia đá được dựng vào năm bắt đầu làm chùa (1632). Tấm bia đá này có chiều cao hơn 1,6m, chiều rộng là 1,2m đặt trên một con rùa đá đồ sộ làm chúng ta nhớ đến những con rùa đội bia đá trong Khuê Các Văn Miếu. Nội dung của tấm bia ghi lại công đức Bà Chúa Mía xây chùa. Đây là một trong những tấm bia to đẹp còn lưu giữ đến ngày nay.
Chùa hạ và chùa trong nối với nhau bằng hai dãy hành lang bao quanh lấy khu thượng điện, kiến trúc được làm theo kiểu chuôi vồ. Tại đây, tất cả những chỗ  làm bằng gỗ đều được chạm trổ rất đẹp.
Gần gác chuông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Tòa gác chuông làm theo kiểu kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Ở đây có một tấm bia năm 1621, một tấm bia năm 1750. Trên gác treo một quả chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ tư (1745) một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ sáu (1846). Trong chùa Mía có rất nhiều tượng, có 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Các pho tượng này dù được đúc, nặn, hay được chạm khắc cũng đều thể hiện tính nghệ thuật cao qua sự khéo léo, tài hoa của những người thợ xưa.

Chùa Mía không chỉ nổi tiếng vì cổ kính, có nhiều tượng Phật nhất trong số các chùa ở nước ta mà còn nổi tiếng là nơi thâm nghiêm, thanh tịnh. Nằm trong khuôn viên làng Việt cổ xứ Đoài, khách đến vãn cảnh chùa được sống trong cảnh thôn quê gần như nguyên vẹn nét xưa. Vào những ngày tuần rằm, các cụ bà mặc áo tứ thân, đầu vấn khăn mỏ quạ đi từng đoàn vào lễ chùa. Nghe tiếng mõ rộn đều, hòa vào lời cầu kinh khi trầm khi bổng, du khách như được gội rửa hết những vướng bận đời thường, lòng vô cùng thánh thiện.
Ngày nay, con đường đi vào chùa Mía đã được xây đắp lại, đẹp và sạch sẽ hơn. Trước khi vào chùa, du khách sẽ đi qua chợ Mía, nơi người dân buôn bán nông sản. Ghé vào quán của một cụ bà, ngắm cổng tam quan đơn giản, mộc mạc được tán cây đa già che chở, hẳn nhiều người đều có cảm giác dường như mảnh đất này không hề chịu tác động từ thế giới bên ngoài. Chùa Mía giản dị ngay từ cái nhìn đầu tiên, để du khách khi bước vào mới thấy vẻ đẹp này mấy nơi có được. Chùa Mía không rộng và đông đúc khách thập phương đến viếng như chùa Tây Phương, chùa Hương hay những ngôi chùa nổi tiếng khác. Ghé thăm chùa vào những ngày đầu xuân, vẫn thấy chùa yên tĩnh, cổ kính như ngày thường. Khách viếng chùa không ồn ào, chen chúc. Khói hương không nghi ngút, thoảng trong không gian tĩnh mịch là tiếng chuông chùa văng vẳng…

 

Theo Cinet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *